Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn.
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại hội trường
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Để hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tôi xin được tham gia một số ý kiến cụ thể sau đây:
Thứ nhất, đối với các quy định tại Điều 2, giải thích từ ngữ đề nghị cắt và chuyển khoản 1 Điều 31 bổ sung vào Điều 2 một khoản mới để giải thích khái niệm chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình. Do đây là một khái niệm mới, lần đầu được sử dụng và nội hàm của khái niệm chưa được phổ biến thông dụng trong cuộc sống nên cần được làm rõ và quy định tại điều khoản về giải thích từ ngữ. Mặt khác, về mặt kỹ thuật lập pháp, quy định như dự thảo là chưa đảm bảo khi khái niệm chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình được sử dụng tới 11 lần trong nhiều mục của dự thảo và xuất hiện tại khoản 1 Điều 22 nhưng tới Điều 31 thì khái niệm này mới được giải thích, làm rõ.
Điều 31 được sắp xếp lại ở Mục 2 Chương III tại mục quy định về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Như vậy, nội dung của điều luật quy định tại mục này chỉ cần quy định về nội dung, hình thức và việc áp dụng các biện pháp là đủ mà không cần thiết phải quy định việc giải thích về khái niệm của biện pháp, tương tự như ở biện pháp khác được quy định tại Mục 2 của dự thảo luật là phù hợp.
Đề nghị xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 2 quy định "cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình". Quy định như dự thảo cho thấy, việc giải thích khái niệm cấm tiếp xúc là chưa chính xác. Bởi lẽ, xét về mặt logic thì khái niệm cấm tiếp xúc được giải thích là "biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình" là đủ và rõ nghĩa, đảm bảo cả về nội hàm và ngoại diên của khái niệm. Đồng thời, việc giải thích khái niệm như vậy còn phù hợp và thống nhất với nội dung quy định tại các Điều 25, 26, 27 của dự thảo luật. Đối với phần tiếp theo "hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình", nội dung này không thuộc nội hàm của khái niệm cấm tiếp xúc, do vậy đề nghị bỏ nội dung "hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình" tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật.
Thứ hai, đối với các quy định tại Điều 3 hành vi bạo lực gia đình. Tại điểm d khoản 1 Điều 3 về hành vi bạo lực gia đình, đề nghị bổ sung và sửa như sau: "Kỳ thị, phân biệt đối xử về hành vi, về hình thể, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, năng lực của thành viên gia đình". Đề nghị xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 3 quy định hành vi bạo lực gia đình, bạo lực quy định tại khoản 1, điều này cũng áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ, chồng, người là cha, mẹ, con riêng, anh chị em của người đã ly hôn của người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ cha, mẹ nuôi và con nuôi. Về mặt bản chất, nội dung tại khoản 2 nêu trên muốn hướng tới việc xác định các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 nếu xảy ra trong mối quan hệ giữa các nhóm đối tượng như đã nêu tại khoản 2 cũng được xác định đó là hành vi bạo lực gia đình và chịu sự điều chỉnh của luật này. Trên thực tế, xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bạo lực gia đình xảy ra trong các nhóm đối tượng và hậu quả của nó để lại cũng hết sức nặng nề. Việc xử lý các hành vi đó có thể là về mặt hình sự hoặc hành chính, do đó việc quy định như dự thảo luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi có hiệu quả, phù hợp với cách tiếp cận mới trong quá trình xây dựng luật dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, để từ đó có biện pháp ngăn chặn, phòng, chống bạo lực gia đình một cách chủ động, khả thi. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 điều này cũng được áp dụng là chưa rõ. Trong văn bản pháp luật thuật ngữ áp dụng được dùng để xác định đối tượng điều chỉnh các quan hệ pháp luật, do đó việc quy định theo cách hành vi được áp dụng cho chủ thể thực hiện hành vi là chưa đảm bảo. Đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 3 như sau: những hành vi quy định tại khoản 1 điều này cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình khi xảy ra trong mối quan hệ giữa các nhóm đối tượng thuộc các trường hợp sau đây: người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn của người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ cha, mẹ nuôi và con nuôi.
Thứ ba đối với các quy định tại Điều 22, biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, cần xem xét sửa đổi, bổ sung để tách bạch các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình tại khoản 1, Điều 22 để đảm bảo thuận tiện và áp dụng chính xác khi luật đi vào cuộc sống. Hiện dự thảo đang quy định chung 2 loại biện pháp này trong một khoản của điều luật, trong khi đó đối tượng để áp dụng các biện pháp là khác nhau. Quy định như dự thảo còn có thể dẫn đến cách hiểu không chính xác về chủ thể, về đối tượng khi áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Tại điểm đ khoản 1 Điều 22, về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đề nghị bổ sung cụm từ "điều trị tổn thương về tâm lý, sức khỏe" thành "chăm sóc, điều trị tổn thương về tâm lý, sức khỏe của người bị bạo lực gia đình".
Trên đây là một số ý kiến tham gia đóng góp về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.