Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Lê Văn Cường.

Đại biểu Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thảo luận tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo luật, bản mới nhất từ ngày 21/10 và bản thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tôi đánh giá Ban soạn thảo đã làm việc rất trách nhiệm, công phu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và nhà khoa học. Tôi đồng thuận với hầu hết các điều khoản của dự thảo luật, trong đấy có những vấn đề rất mới liên quan đến nhân lực ngành y tế, ví dụ như đánh giá năng lực hành nghề, ngôn ngữ cho người nước ngoài, khám bệnh từ xa, giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ. Tôi xin phép có một số ý kiến liên quan đến một số điều rất quan trọng trong luật lần này.

Thứ nhất, chính sách nhà nước về khám, chữa bệnh tại Điều 4. Ở đây có ghi "Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực, một số lĩnh vực như truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần và hồi sức cấp cứu”. Hồi sức cấp cứu là đối tượng mới. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần bổ sung một đối tượng nữa là quản lý bệnh viện, quản trị bệnh viện. Bởi vì, hiện nay có khoảng 50.000 cán bộ y tế được đào tạo, tuy nhiên lực lượng quản lý bệnh viện khoảng 200, rất mất cân đối. Cho nên, một số trường như Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, còn lại các trường khác không đào tạo trình độ cử nhân.

Về mặt lâu dài, chúng ta cần phải đào tạo lực lượng này để hạn chế dịch chuyển nhân lực từ khối lâm sàng lên làm các phòng chức năng. Đây là một lãng phí rất lớn, về mặt lâu dài chúng ta cần lực lượng này để nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây cũng là một yếu tố đầu vào rất quan trọng của các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay.

Thứ hai, Điều 59 về cấp cứu, có thể nói đây là điều quan trọng nhất của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, vì chúng ta biết cấp cứu tuy số lượng bệnh nhân chỉ chiếm khoảng 20% thôi và là bệnh nhân nội trú, tuy nhiên chi phí chiếm khoảng 80% tổng chi phí, gồm đầu tư nguồn nhân lực, thiết bị, thuốc men v.v... chưa nói chi phí mất đi, chi phí cơ hội. Trong dự thảo lần này thì có cấp cứu trước viện, Tổ chức y tế thế giới đánh giá nếu chúng ta tổ chức tốt thì giảm được khoảng 50% số ca tử vong trong 1 năm. Đây là một điểm mới và tôi thấy rất tốt. Tuy nhiên, để cho hệ thống cấp cứu trước viện hoạt động tốt thì bảo hiểm y tế phải chi trả dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ trong lúc cấp cứu. Vì chúng ta biết nếu chúng ta làm tốt ngay từ đầu thì có chất lượng nhất, còn nếu chúng ta làm sai ngay từ đầu thì chi phí tăng lên rất lớn và đây là một vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội, chúng ta cần phải an toàn cho người dân ở bất kỳ địa điểm nào, các doanh nghiệp ở trong nước và ngoài nước. Chính vì thế cho nên, tôi đề nghị ở đây bảo hiểm y tế cần thanh toán dịch vụ trong quá trình cấp cứu ngay từ đầu và vận chuyển. Tôi lấy ví dụ như một bệnh nhân đái tháo đường không may bị hôn mê, chúng ta chỉ cần đơn giản làm test hạ đường máu cộng với 1 chai đường trên xe cấp cứu chỉ tốn khoảng 500.000 đồng thôi, tuy nhiên nếu chúng ta không làm như vậy thì chúng ta có thể tốn thêm hàng trăm lần mà có thể bệnh nhân vẫn hôn mê và mất sức lao động, chi phí nếu chúng ta so sánh là rất hiệu quả.

Thứ ba, một điều rất quan trọng làm thay đổi về chiến lược, đó là liên quan đến cấp chuyên môn. Hiện nay trên cả nước có khoảng 1.500 bệnh viện, tính trung bình là khoảng 15 bệnh viện trên 1 triệu dân, tuy nhiên hệ thống bệnh viện của chúng ta hiện nay chia làm 4 cấp cộng với cấp xã là 5, có thể cấp quốc tế nữa là 6 cấp và khoảng 6 hạng, 4 hạng bình thường, cộng hạng đặc biệt và tuyến xã. Các bệnh viện trong hệ thống của chúng ta là các bệnh viện chuyên khoa khá nhiều, phân bố rải rác và quy mô nhỏ, chính vì thế cho nên gây lãng phí rất nhiều. Ví dụ như lãng phí về mặt di chuyển và chờ đợi, phát sinh các thủ tục hành chính, làm quá nhu cầu, ví dụ bệnh nhân nhẹ nhưng chúng ta lại cho vào các bệnh viện tuyến cao, về bản chất là lãng phí. Hoặc chúng ta làm dưới nhu cầu, ví dụ như trường hợp bệnh nhân nặng nhưng chúng ta lại giữ lại ở tuyến dưới, v.v. đây cũng là một dạng lãng phí. Hoặc vì nhiều bệnh viện, nhiều cấp nên rất mất thời gian để ban hành rất nhiều các văn bản và khi áp dụng lại chồng chéo, đây là một lãng phí hữu hình chúng ta không nhìn thấy được.

Một điểm nữa là nhân lực, vì nhiều hạng như thế nên vấn đề di chuyển nhân lực cũng là một yếu tố. Trong phòng chống dịch COVID-19, chúng ta biết khi phân làm 5 tầng ở trong Thành phố Hồ Chí Minh rất khó phân loại, rất lộn xộn và hệ thống cấp cứu, vận chuyển và chuyển tuyến rất phức tạp, vì chúng ta biết hiện nay vấn đề thủ tục hành chính vẫn là nhiều, đôi khi các bác sĩ cũng không có thời gian chăm sóc bệnh nhân mà chủ yếu chăm sóc các thủ tục hành chính, bệnh án, đây là vấn đề người bệnh sẽ không thích. Cho nên, chúng ta cần làm mọi cách để giảm thời gian không liên quan đến người bệnh và chúng ta phân làm 3 cấp để dịch chuyển mô hình chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh dựa vào bệnh viện như hiện nay ở nước ta, thế giới đánh giá mô hình này chi phí rất lớn. Chúng ta cần phải dịch chuyển về chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh dựa vào tuyến đầu tiên, tức là tuyến ban đầu và tuyến ban đầu ở đây là trạm y tế, là các phòng khám bác sĩ gia đình, còn tuyến thứ hai chính là các bệnh viện huyện, còn tuyến thứ ba là tuyến tỉnh trở lên. Tuy nhiên, để điều này phát huy tác dụng thì tôi nghĩ chúng ta cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc này. Bởi vì, hiện nay các bệnh viện do chúng ta chưa tính đúng, tính đủ cho nên rất khó khăn khi chúng ta tự chủ tài chính.

Một ý nữa, các bệnh viện huyện hiện nay cũng không thể hỗ trợ hết cho các tuyến xã được và trong tương lai khoảng 5 đến 10 năm nữa thì các tuyến xã, số lượng bác sĩ cơ yếu tại xã rất thấp. Chính vì thế, cho nên trong 666 các bệnh viện huyện thì tôi nghĩ sau này hỗ trợ cho khoảng 11 nghìn tuyến xã thì chúng ta phải cần khoảng 10 nghìn bác sĩ đưa về tuyến huyện đào tạo, huấn luyện và phân bổ xuống tuyến xã để hỗ trợ tuyến xã. Hiện nay chúng ta tuyển dụng bác sĩ ở tuyến xã rất khó khăn, gần như không thể. Cho nên, khi chúng ta thực hiện 3 cấp thì chúng tôi xin kiến nghị là phải nâng cao năng lực của tuyến huyện.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.299.397
    Trong năm: 978.119
    Trong tháng: 86.873
    Trong tuần: 25.062
    Trong ngày: 1.374
    Online: 115