Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội trường
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Về cơ bản, tôi tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, tôi xin có một số ý kiến về 4 nội dung, cụ thể như sau.
Thứ nhất, về nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình, về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm tại Điều 4. Tôi đề nghị cân nhắc chỉnh sửa, bổ sung quy định tại khoản 1 điều này, bởi lẽ tinh thần của luật là lấy nguyên tắc phòng ngừa là chính. Do đó, phải xác định lấy người có nguy cơ bị bạo lực gia đình và người có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực gia đình làm trung tâm. Đây mới là nguyên tắc phòng, chống hành vi bạo lực gia đình, hạn chế đến mức tối đa xảy ra bạo lực gia đình.
Nguyên tắc người bị bạo lực gia đình làm trung tâm nên chuyển về khoản 2 điều này, vì lúc này hành vi bạo lực đã xảy ra, cần có biện pháp can thiệp, quan tâm để chống hành vi bạo lực gia đình tái diễn trên thực tế.
Thứ hai, đề nghị xem lại nguyên tắc không hòa giải hành vi bạo lực gia đình tại khoản 2 Điều 17, bởi lẽ hành vi bạo lực gia đình là hành vi đã hoặc đang diễn ra, nếu kịp thời ngăn chặn, hòa giải các bên liên quan để chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình là điều nên làm. Nếu quy định không hòa giải hành vi cũng chưa thực sự rõ tính quy phạm văn bản luật. Bởi lẽ, hành vi theo từ điển của tiếng Việt là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài của một người trong hoàn cảnh cụ thể. Do đó, không thể có việc hòa giải hành vi mà chúng ta phải hướng đến người có hành vi bạo lực gia đình để có tác động tích cực, phù hợp với họ để họ không thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Ngay tại khoản 1 đã nêu nguyên tắc "hòa giải là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình để không làm tái diễn bạo lực gia đình". Do đó, đề nghị chỉnh lý quy định trong khoản 2 cho phù hợp.
Thứ ba, về yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 24. Đề nghị cần xem lại nội dung. Công an cấp xã chỉ có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra hành vi để làm rõ vụ việc, thông tin, giải quyết khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 20 chỉ khi tin báo, tố giác về bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã mới phân công an cấp xã xử lý.
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 20 quy định cơ quan công an, đồn biên phòng nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình khi nhận tin báo, tố giác về vụ việc bạo lực gia đình thì trong phạm vi, quyền hạn của mình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình. Đồng thời, chúng ta cũng phải làm rõ trường hợp này sẽ giữ người theo quy định của pháp luật nào. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình khi vi phạm quy định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, đề nghị để đảm bảo ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình tiếp tục xảy ra, đề nghị quy định công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an. Trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thứ tư, về nội dung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp bằng chứng xác nhận tình trạng thương tật theo đề nghị của người bệnh là người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại Điều 29. Nội dung này đề nghị cần rà soát và quy định cho thống nhất với Luật Giám định tư pháp và cũng để tránh nhầm lẫn với việc xác định tỷ lệ thương tật. Theo quy định tại Điều 12 của Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì cá nhân khi bị gây thương tích bị ảnh hưởng về sức khỏe có thể điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, kết luận giám định về giám định về tỷ lệ thương tật chỉ được công nhận khi được thực hiện tại các tổ chức giám định tư pháp công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, ví dụ như là Viện Pháp y của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Trung tâm Giám định pháp y cấp tỉnh hoặc của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Do đó, đề nghị chỉ quy định về việc cung cấp hồ sơ bệnh án của người bị bạo lực gia đình theo yêu cầu của người bị bạo lực gia đình và các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Trên đây là một số ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua. Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.