Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 08/11, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và các Báo cáo thẩm tra, đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cao Mạnh Linh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cao Mạnh Linh.

Đại biểu Cao Mạnh Linh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi tán thành với các nhận định, đánh giá trong các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là vấn đề tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang có diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều thủ đoạn, phương thức mới tinh vi hơn. Như chúng ta biết, với sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, ngày nay, môi trường mạng xã hội như một xã hội thứ hai mà tại đó ngoài đời thực có gì thì trên không gian mạng hầu như cũng có. Đời thực có các loại vi phạm pháp luật, tội phạm gì thì cơ bản hầu như cũng xảy ra trên môi trường không gian mạng, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng đen, mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ; phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, v.v.. Ngoài sự đa dạng, phức tạp thì tính chất, mức độ của tội phạm và vi phạm pháp luật diễn ra trên không gian mạng còn có giác độ nguy hiểm hơn ngoài đời thực, bởi tính chất đặc thù của môi trường không gian mạng, đó là:

Thứ nhất, tính không biên giới của môi trường không gian mạng, đối tượng vi phạm phạm tội có thể ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài.

Thứ hai, do sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng thường đi trước một bước, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì khi hậu quả xảy ra rất khó xử lý. Nhiều trường hợp khi người bị hại tố giác thì đối tượng đã kịp xóa dấu vết, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có.

Ngoài việc là nơi diễn ra vi phạm pháp luật và tội phạm, không gian mạng còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động, là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật ngoài đời thực, như là môi trường để các đối tượng hẹn hò, tụ tập, thành lập băng nhóm gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, cướp và cướp giật tài sản; là nơi để các đối tượng trao đổi về phương thức, thủ đoạn phạm tội; là nơi phát sinh các tranh chấp mà dẫn đến các hành vi đánh nhau gây thương tích, thậm chí giết người ngoài đời thực; là nơi để mua bán các loại hung khí, vũ khí để phạm tội.

Với tính chất đặc thù như vậy, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành với những kết quả đạt được thời gian qua, tôi cho rằng Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành hữu quan, các địa phương cần tiếp tục chú trọng hơn nữa đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhưng cũng rất cần phù hợp với đặc tính của môi trường không gian mạng. Do đó, bên cạnh các giải pháp đã được nêu trong báo cáo, tôi xin nhấn mạnh thêm một số ý như sau.

Thứ nhất, phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về những mặt trái của không gian mạng, những nguy cơ đối với người dùng, những loại vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trên môi trường mạng, để người dùng nhận biết và phòng, tránh cũng như kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng khi phát hiện. Thời gian qua, chúng ta đã kịp thời có nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến như qua tin nhắn điện thoại, qua báo chí, qua hệ thống có công an ở cơ sở, nhưng thực tế vẫn nhiều trường hợp người dân thiếu cảnh giác trước các đối tượng phạm tội bị lừa đảo, bị lôi kéo vào vay tín dụng đen, v.v. gây rất nhiều hệ lụy, phức tạp. Do đó, tôi đề nghị cần tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác này, trong đó việc tuyên truyền phải bảo đảm thiết thực hơn, giúp người dân nhận diện được phương thức, thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa, xây dựng các chương trình tuyên truyền vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình để bảo đảm tuyên truyền đến số đông người dân, phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở để tuyên truyền đến từng nhà, từng người dân trên địa bàn. Đồng thời, hiện nay rất nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội như Zalo, Facebook nên đây cũng là kênh tiếp cận rất thuận lợi cho công tác tuyên truyền.

Thứ hai, cần tiếp tục phát huy vai trò của người dân, trực tiếp là người dùng trên không gian mạng trong công tác phòng ngừa, phát hiện các vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng. Người dân là người đầu tiên tiếp xúc với tội phạm nên là người có thể cung cấp nhanh nhất thông tin về tội phạm đến cơ quan chức năng. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế để người dân có thể cung cấp thông tin thuận tiện, đơn giản, phù hợp như lập số điện thoại đường dây nóng, cung cấp địa chỉ báo tin. Đồng thời, cần có các phương thức phù hợp, thuận tiện với thói quen của người dùng trên không gian mạng, như lập hòm thư điện tử, lập tài khoản mạng xã hội để người dân thuận tiện cung cấp thông tin về tội phạm cho cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các biện pháp để bảo đảm các đối tượng không giả mạo được các tài khoản, hòm thư để lừa đảo. Ví dụ, như cần khuyến khích để lập các tài khoản chung cho cộng đồng nhỏ, như khu phố, ngõ xóm để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cũng như kịp thời tiếp nhận các thông tin tố giác tội phạm của người dân. Hiện nay ở khu phố của tôi đồng chí công an phụ trách đã thành lập một tài khoản Zalo chung cho khu phố, thông qua đó kịp thời thông tin, tuyên truyền đến mọi người dân trong khu phố về các phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng như về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là môi trường để mọi người dân khi phát hiện có các dấu hiệu tội phạm, vi phạm thì kịp thời thông báo đến đồng chí công an khu vực để nắm bắt tình hình cũng như hướng dẫn cho người dân. Chúng tôi thấy đây là một phương thức rất thuận tiện. Bên cạnh các vai trò chủ động của các cơ quan chức năng thì các giải pháp nêu trên sẽ là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người có khả năng chủ động bảo vệ mình trước các yếu tố tiêu cực của không gian mạng.

Về việc thay đổi thời gian lấy số liệu báo cáo, tôi tán thành với gợi ý của Đoàn Chủ tịch. Tôi tán thành lấy số liệu các báo cáo là từ ngày 1/1 đến 31/12 hằng năm, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu năm tiếp theo. Việc thay đổi thời gian lấy số liệu báo cáo sẽ thuận tiện cho các cơ quan trong việc tổng hợp số liệu cũng như thuận tiện cho Quốc hội, cơ quan thẩm tra xem xét, đánh giá được toàn diện, đầy đủ công tác của các cơ quan trong một năm.

Về nội dung nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nội dung về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin nơi sinh trên hộ chiếu, tôi nhất trí với các nội dung tờ trình đề nghị của Chính phủ, đề nghị bổ sung các nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.179.300
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 911
    Online: 78