Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu thảo luận tại Hội trường

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu báo cáo kết quả giám sát với 5 nội dung trọng điểm trong khu vực công, tôi đánh giá cao về chất lượng giám sát cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng dự án, khu đất bị bỏ hoang, chậm tiến độ trên phạm vi toàn quốc theo 4 phụ lục kèm theo dự thảo nghị quyết. Để hoàn thiện, tôi xin phép có một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất là về thực thi pháp luật đất đai. Những tồn tại, hạn chế, sai phạm, lãng phí trong lĩnh vực đất đai đã được nêu rõ trong báo cáo của Đoàn giám sát với những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Kính thưa Quốc hội, vi phạm pháp luật đất đai còn diễn biến phức tạp. Đây là nhận định hoàn toàn chính xác của Trung ương tại Nghị quyết 18. Tình trạng vi phạm pháp luật quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong hoạt động chủ yếu như là giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhất là quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Thực trạng thì đã rõ, vấn đề đặt ra là chúng ta có giải pháp gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này? Trước hết, tôi đề nghị tăng cường hơn nữa tính răn đe trong việc thực thi pháp luật đất đai thông qua việc kiểm tra, thanh tra toàn diện, thường xuyên hơn, kể cả công tác kiểm tra trước khi tổ chức thực hiện. Nghiên cứu, xem xét để bổ sung các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia trực thuộc cơ quan trung ương đóng tại địa phương. Tương tự như Cục Thanh tra, giám sát đất đai quốc gia theo kinh nghiệm của Trung Quốc với 9 cơ quan đóng tại 9 địa phương, có phạm vi quản lý, giám sát toàn bộ trên đất nước Trung Quốc. Các cơ quan này sẽ thường xuyên giám sát và kiểm tra việc sử dụng và quản lý đất đai của chính quyền địa phương và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không phát hiện được hành vi vi phạm đất đai trên địa bàn quản lý. Cùng với đó là cần minh bạch thông tin đất đai, hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, không để tình trạng Luật Đất đai đã có hiệu lực mà sau gần 10 năm thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia vẫn chỉ là bước đầu xây dựng. Đồng thời, cần quy định một số nguyên tắc cơ bản cho việc khai thác cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đây cũng chính là cơ sở phòng ngừa chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Ví dụ như quyền truy cập, trích xuất thông tin của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các tổ chức, cá nhân cụ thể về quyền sử dụng đất mà họ và gia đình họ đang có cũng như hồ sơ, nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất để người dân có quyền tiếp cận thông tin đất đai, thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật.

Phải đổi mới phương tiện kỹ thuật thực thi pháp luật đất đai như ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, hệ thống kiểm tra tài nguyên đất đai di động. Đồng thời, phải cải cách toàn diện, có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động cán bộ chính quyền địa phương thông qua việc thực thi pháp luật đất đai.

Về vấn đề sử dụng đất nông, lâm trường, như nhiều đại biểu đã phát biểu, nêu nhiều nguyên nhân lãng phí đất đai nông, lâm trường, tôi xin phép không nêu và phân tích lại cụ thể. Chúng tôi chỉ nói rằng sau khi Quốc hội đã có Nghị quyết 112/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường thì chúng ta phải ghi nhận Chính phủ, bộ, ngành, địa phương làm được rất nhiều việc, từ rà soát, sắp xếp, quy hoạch, cổ phần hóa, lập bản đồ, giải quyết tranh chấp, những vướng mắc và lập phương án sử dụng, thu hồi đất. Tuy nhiên, sau 5 năm có nghị quyết của Quốc hội và trước đó hàng chục năm chờ đợi, điều mong mỏi nhất của cử tri, của những người nông dân thiếu đất sản xuất vẫn chưa đến với họ. Bởi lẽ, theo báo cáo thì vẫn chỉ là phương án dự kiến trên giấy mà chưa có số liệu, diện tích thực tế đã giao cho người dân. Rõ ràng, nguồn lực đất đai rộng lớn với diện tích hàng trăm nghìn hecta vẫn chưa được sử dụng một cách có hiệu quả. Do đó, tôi đề nghị bổ sung vào nghị quyết của Quốc hội, theo đó Chính phủ, các bộ, ngành cần kiên quyết chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại trong sử dụng đất của nông, lâm trường. Các địa phương cần khẩn trương thực hiện việc giao đất cho người dân thiếu đất canh tác. Thời điểm hoàn thành là ngay trong năm 2023 đối với diện tích đã thu hồi cũng như đối với diện tích phải thu hồi. Đừng để người nông dân mỏi mòn chờ đất sản xuất, đừng để đồng bào dân tộc thiểu số phải vác cuốc, vác thưởng đi qua những vùng đất màu mỡ nhưng bỏ hoang để đến với những khu núi đá khô cằn với những khóm ngô, bụi sắn. Với thực trạng này, qua tiếp xúc cử tri, cử tri tha thiết đề nghị đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận đúng bản chất của nguồn gốc đất đai nông, lâm trường để có một cuộc cách mạng thực chất hơn, để không lãng phí đất đai, giải phóng nguồn lực, thực sự giải phóng sức sản xuất của người dân.

Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.298.267
    Trong năm: 976.990
    Trong tháng: 86.873
    Trong tuần: 25.062
    Trong ngày: 245
    Online: 42