Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 08/11, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và các Báo cáo thẩm tra, đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản, tôi tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những kết quả đạt được trong năm qua. Đồng thời, tán thành với nhiều nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế cần phải được tiếp tục khắc phục.

Trước hết, tôi bày tỏ sự tán thành việc trình Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tại kỳ họp thường lệ đầu năm. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong thời gian chờ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật này, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp để có thể thực hiện từ năm sau cho thống nhất về mặt số liệu.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tôi đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp, với ý nghĩa đây là việc được quyền sử dụng nguồn lực đất đai thông qua hành vi trái pháp luật. Cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường dưới góc độ kinh tế, sử dụng đất trái pháp luật có thể được coi là hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích. Những người vi phạm pháp luật đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội. Tất nhiên, họ cũng phải trả những chi phí nhất định, bao gồm thời gian, sự chuẩn bị, những lợi ích có thể có khi từ bỏ việc chấp hành pháp luật và các chế tài pháp lý mà họ có thể phải chịu sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc theo đuổi lợi ích rất lớn thu được từ đất đai của các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhu cầu thu ngân sách và sự cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế của chính quyền địa phương được coi là yếu tố chính thúc đẩy việc vi phạm pháp luật đất đai.

Thông qua việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, các tổ chức, cá nhân sai phạm có thể thu được những lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội mà thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy. Như chúng ta đã biết việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách họ xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó. Một khi họ tin rằng lợi ích mong đợi của việc sử dụng đất bất hợp pháp cao hơn chi phí và hậu quả họ phải trả thì với tư cách là người kinh doanh họ sẽ quyết định vi phạm pháp luật. Lúc này, giá phải trả của việc vi phạm pháp luật đất đai chủ yếu bao gồm tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại về quyền lợi, tác động tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của địa phương, sự trừng phạt có thể xảy ra và làm mất đi tương lai chính trị của người có chức vụ, quyền hạn có liên quan. Đối với những doanh nghiệp, cá nhân thì chi phí phải bỏ ra chủ yếu bao gồm thời gian lao động, vốn đầu vào cho việc sử dụng đất bất hợp pháp và các khoản tiền có thể bị phạt, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị điều tra, truy tố. Do đó, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng đến những chi phí, hậu quả khi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật phải bỏ ra và gánh chịu. Bởi phần lớn chi phí cố định như bồi thường kinh tế, thời gian hoặc lao động, vốn đầu tư mà người vi phạm pháp luật phải trả cho việc sử dụng đất bất hợp pháp sẽ không cao hơn so với việc sử dụng đất hợp pháp. Và một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật đất đai tăng lên thì khả năng bị điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên, khi đó thiệt hại và hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật sẽ rất lớn, thường sẽ vượt quá lợi ích thu được nếu mà thực hiện đúng pháp luật về đất đai. Như vậy, nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại nếu chúng ta thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian tới sẽ giảm. Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu, xem xét việc thành lập các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia theo vùng trực thuộc cơ quan trung ương đóng tại địa phương.

Về công tác tư pháp. Tôi đánh giá cao về các kết quả mà các cơ quan tư pháp đã đạt được, cùng với đó đề nghị phải tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực về quản lý kinh tế như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, mua sắm công.

Về trật tự xã hội thì có những vụ việc về mua bán trái phép chất ma túy, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, quân dụng. Nhiều vụ việc được phát hiện trong lĩnh vực quản lý kinh tế đã cho thấy có độ trễ nhất định của các cơ quan tư pháp có rất nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra nhiều năm nhưng việc phát hiện sai phạm còn chậm, chưa đảm bảo tính răn đe kịp thời của pháp luật, cá biệt có những cá nhân vi phạm sau cả chục năm mới được phát hiện và xử lý. Do đó, đề nghị các cơ quan tư pháp, nhất là các cơ quan điều tra cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ, chủ động nhận diện và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thực hiện tốt phương châm "ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm và xử lý từ đầu", không để những vi phạm tích tụ thành những sai phạm lớn, thực sự tạo ra sự răn đe, chuyển biến trong toàn quốc. Tại phiên họp này, tôi cũng đề nghị các cơ quan tư pháp báo cáo rõ với các đại biểu Quốc hội về vụ án buôn lậu do bị cáo Trương Huy Liệu và đồng phạm thực hiện. Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết vụ việc này xảy ra đã lâu, từ cuối năm 2011 và đã qua nhiều cấp xét xử, tuy nhiên vẫn được sự quan tâm của một số đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, Đoàn Quảng Trị. Tôi đề nghị các cơ quan tư pháp báo cáo chi tiết với các đại biểu Quốc hội về vụ việc này.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.289.415
    Trong năm: 978.369
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 613
    Online: 50