Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 08/11, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và các Báo cáo thẩm tra, đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Phạm Thị Xuân, Thư ký Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Phạm Thị Xuân.

Đại biểu Phạm Thị Xuân, Thư ký Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa phát biểu tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi tán thành với nhiều nội dung tại các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại của các cơ quan trong năm 2022. Tôi xin có một số ý kiến về các nội dung cụ thể như sau:

Một là, về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Năm 2022 Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tôi đề nghị Chính phủ tổ chức chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau.

Thứ nhất, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật dù đã từng bước được kiềm chế nhưng vẫn còn một số loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, có tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội như tội phạm trong lĩnh vực thông tin, viễn thông; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; tình trạng phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm; mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm nêu trên; tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng và có các giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.

Thứ hai, số vụ cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý, một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý. Đây là những vấn đề bức xúc trong dư luận, bởi hậu quả gây ra cho các em rất nghiêm trọng, từ tính mạng, sức khỏe đến nhân phẩm, lâu dài hơn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các em. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc, đấu tranh hạn chế đến mức thấp nhất đối với các loại tội phạm này. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền. Quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng, tránh, bảo vệ bản thân.

Thứ ba, trong năm qua đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhân dân. Ngoài nguyên nhân do ý thức bất cẩn của người dân trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh chúng ta cũng phải nhìn nhận, đánh giá đúng về công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy của các cơ quan quản lý nhà nước rõ ràng có nơi còn buông lỏng, chưa chặt chẽ, nhất là quản lý công tác cháy nổ tại các khu chung cư, nhà cao tầng, các cơ sở phục vụ ăn uống, dịch vụ karaoke. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; khắc phục những hạn chế trong công tác này; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc thanh tra thực chất và kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo an toàn; chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy thì phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.

Về công tác tư pháp, công tác của tòa án nhân dân tối cao trong năm 2022. Tôi cơ bản tán thành với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tòa án nhân dân, trong đó đáng lưu ý là công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân cấp cao trong năm qua đã vượt yêu cầu của Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96 ngày 27/9/2019 của Quốc hội, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành Tòa án nhân dân trong năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tôi đồng tình với một số ý kiến phát biểu trước tôi về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực triển khai hướng dẫn các tòa án nhân dân địa phương chủ động thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến và bước đầu góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, dù có quyết sách kịp thời của Quốc hội nhưng tại nhiều địa phương, các tòa án lại chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, kinh phí để tổ chức phiên tòa trực tuyến, cho nên việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao cùng các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn đến công tác này, bố trí kinh phí phù hợp để có thể triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến đồng bộ, toàn diện đối với Tòa án nhân dân các địa phương trên cả nước.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.210.972
    Trong năm: 983.950
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 3.289
    Online: 57