Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 10/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.
Đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các vị đại biểu tham dự phiên họp,
Trước hết, tôi cũng thống nhất rất cao với sự cần thiết phải sửa Luật Đất đai năm 2013 và tôi cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị rất công phu và dự án luật lần này có nhiều điểm mới, đã tháo gỡ được nhiều bất cập từ thực tiễn thực hiện Luật Đất đai năm 2013, cụ thể hóa theo tinh thần Nghị quyết 18. Để góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự án luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Vấn đề thứ nhất là việc quy định về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 76, trong đó có quy định "cơ quan, tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất". Theo tôi, quy định về lấy ý kiến và quy hoạch sử dụng đất là rất cần thiết, tôi rất đồng tình, song việc quy định phải lấy ý kiến của Nhân dân về kế hoạch sử dụng đất 5 năm đối với Ủy ban tỉnh, hằng năm đối với Ủy ban huyện theo tôi vấn đề này cần phải cân nhắc. Bởi vì nếu quy định lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất, nhất là hình thức tổ chức hội nghị sẽ mất rất nhiều thời gian, không cần thiết và nó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương. Hơn nữa, khi chúng ta xây dựng kế hoạch sử dụng đất, chúng ta sẽ căn cứ vào quy hoạch, theo tôi không nên quy định phải xin ý kiến Nhân dân về kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Vấn đề thứ hai là quy định về bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, được quy định tại Điều 100, trong đó có quy định "hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của Điều 98, khi Nhà nước thu hồi đất thì có thể bồi thường bằng đất nông nghiệp, bằng tiền hoặc đất có mục đích khác hoặc là nhà ở". Tôi nghĩ rằng, việc mở rộng các hình thức bồi thường như thế này để người dân có nhiều sự lựa chọn hơn cũng có mặt tích cực. Tôi suy nghĩ rằng để đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân để bồi thường bằng 1 trong 4 hình thức này có lẽ cũng hiếm địa phương nào có khả năng có quỹ đất để đáp ứng được, mà như thế người dân sẽ có rất nhiều lựa chọn và như vậy sẽ rất khó khăn cho cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp khi chúng ta thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hồi đất. Hơn nữa, chúng ta thấy rằng thực hiện Luật Đất đai năm 2013 thì việc bồi thường theo một nguyên tắc là bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền và vấn đề này, người dân không có ý kiến nhiều, chủ yếu có ý kiến việc bồi thường giá thấp, chưa tương xứng với giá thị trường thôi. Cho nên, vấn đề này tôi đề nghị quy định là bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền để đảm bảo và phù hợp với nguyên tắc theo quy định tại Điều 97 của dự thảo luật. Theo tôi đề nghị là như vậy.
Vấn đề thứ ba, về ngân hàng đất nông nghiệp. Quy định về ngân hàng đất nông nghiệp, đây là một vấn đề rất mới và để chúng ta cụ thể hóa theo tinh thần Nghị quyết 18. Tôi nghĩ rằng vấn đề này mới dành một điều là Điều 124 để quy định về ngân hàng đất nông nghiệp, tôi cho rằng chưa được đầy đủ, có nhiều vấn đề chưa rõ. Tôi cũng đồng tình với quan điểm là phải thể chế quy định theo tinh thần Nghị quyết 18, nhưng quy định về ngân hàng đất nông nghiệp phải rất rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, rồi cơ quan nào là cơ quan chủ quản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hay Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, hay là Ngân hàng nhà nước quản lý; rồi việc cơ chế, phạm vi hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp như thế nào, được thành lập như thế nào, hệ thống chân rết của nó đến cơ sở như thế nào? Vấn đề này, tôi thấy chưa quy định. Thực ra doanh nghiệp nhà nước trong đây, mục đích hoạt động chủ yếu là phi lợi nhuận là chính, mà chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Tôi rất băn khoăn khi thành lập hệ thống ngân hàng này thì gánh nặng của Nhà nước như thế nào? Tôi nghĩ vấn đề này cũng cần đánh giá tác động hay khả năng hoạt động từ thực tiễn của ngân hàng. Tôi thấy trong một điều kiện đất rất manh mún, rất nhỏ lẻ, đất nông nghiệp được cấp từ năm 1993 đến nay thì hầu như chưa được cấp đổi, cho nên việc quản lý vấn đề này cũng rất khó khăn. Hay việc đầu tư của doanh nghiệp, của hợp tác xã vào trong lĩnh vực đất nông nghiệp thì cũng còn hạn chế nhất định. Cho nên, theo tôi vấn đề này cần phải đánh giá tác động rất kỹ càng để quy định ngân hàng đất nông nghiệp cho phù hợp.
Vấn đề cuối cùng, đó là vấn đề về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Điều 93, trong đó quy định việc thu hồi đất ở thì được thực hiện sau khi chúng ta hoàn thành khu bố trí tái định cư. Tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương này để làm sao cho đời sống người dân sớm ổn định. Song, tôi nghĩ rằng vấn đề này chúng ta cần phải tính toán thêm. Nếu tất cả các dự án đều buộc phải hoàn thành khu tái định cư sau đó chúng ta mới thực hiện công tác thu hồi đất thì việc triển khai một số dự án sẽ rất chậm. Nên chăng chúng ta nên có thêm một hình thức nữa, trường hợp người dân đồng thuận thì chúng ta có thể hỗ trợ người dân để thuê chỗ ở, sau khi chúng ta hoàn thành dự án tái định cư thì chúng ta bàn giao lại cho người dân để phục vụ triển khai thực hiện một số dự án lớn cần phải đẩy nhanh tiến độ.
Tôi xin có một số ý kiến như vậy. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.