Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 10/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Vũ Xuân Hùng, Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Vũ Xuân Hùng.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng, Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Tôi tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai như Tờ trình của Chính phủ và cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tôi cho rằng, Luật Đất đai có tác động sâu sắc, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội. Về dự thảo luật đã cơ bản bao quát các nội dung, phạm vi điều chỉnh, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới đã được kiểm nghiệm, được thực tiễn chứng minh đủ rõ, đủ chín, có đủ cơ sở thuyết phục để luật hóa và khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, tạo động lực để phát triển đất nước. Tôi cũng tán thành và thống nhất với cách tiếp cận tại dự thảo luật là quy định phân loại theo nhóm, các nhóm quan hệ thực hiện theo Luật Đất đai và những nhóm quan hệ theo quy định của luật khác, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các hệ thống pháp luật về đất đai. Theo Báo cáo của Chính phủ rà soát thì hiện nay có 112 luật liên quan đến hệ thống pháp luật về đất đai, trong đó thì có 88 luật, bộ luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và có 24 luật, quy phạm pháp luật khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất. Quy định nguyên tắc này cũng phù hợp với Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp tháng 9/2012. Để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin tham gia góp ý vào một số điều luật cụ thể trong dự thảo luật như sau:

Thứ nhất, liên quan đến việc xác định tiêu chí và khoanh định khu vực tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng liên quan đến quốc phòng, an ninh. Tại Điều 74 quy định như khoản 5 tôi thấy chưa phù hợp vì 3 lý do sau:

Một là, không bảo đảm tính tổng thể và thống nhất trong các quy định về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nếu chỉ giới hạn trong phạm vi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh thì sẽ không bao quát hết được các khu vực, vị trí diện tích đất có giá trị về quốc phòng, an ninh nhưng không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Hai là, không bảo đảm tính logic trong hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là quy định về căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 72, Điều 73, Điều 74 của dự thảo luật, không đủ tính pháp lý để ràng buộc việc khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh tại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện.

Ba là, quy định giao cho Chính phủ xác định tiêu chí và khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh nhưng trong dự thảo luật không đưa ra được các tiêu chí có tính chất nguyên tắc để Chính phủ hướng dẫn thực hiện, như vậy sẽ rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện sau này. Từ 3 lý do trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung một điều tại Chương V quy định rõ nguyên tắc xác định tiêu chí và khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung xác định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào khoản 2 các Điều 71, 72 và 73.

Thứ hai, về căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 87, tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản về nguyên tắc áp dụng trong trường hợp đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch đất sử dụng quốc phòng, an ninh, nhưng cần phải thu hồi ngay để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp cần thiết và cấp bách.

Thứ ba, tại Điều 134 cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định giao đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đây là chủ trương lớn cần được thể chế làm rõ cơ sở xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, gắn bó, phục vụ lâu dài trong quân đội và công an nhân dân. Vì trong Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân và các luật chuyên ngành khác đều quy định bảo đảm nhà ở cho đối tượng này. Nếu quy định như điểm d Điều 134 là chưa đầy đủ, chưa bao quát được nhu cầu của các đối tượng được tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án nhà ở thương mại của quân đội và công an. Nội dung này thực tiễn thời gian qua các địa phương không áp dụng được, vì phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất khi thực hiện các dự án nhà ở cho các đối tượng.

Kính thưa Quốc hội,

Lực lượng vũ trang là lao động đặc thù, đặc biệt, họ công tác trong môi trường điều kiện hết sức khó khăn, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm thể chế chủ trương này để luật hóa trong dự thảo luật lần này.

Thứ tư, về ngân hàng đất nông nghiệp tại Điều 124. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai Văn Hải. Tại khoản 3 Điều 124 dự thảo luật quy định hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận được nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước. Đề nghị cần phải nghiên cứu, xem xét tính khả thi, nêu rõ sự cần thiết, địa vị pháp lý, phương thức hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp để cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Cuối cùng, tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ các nội dung để luật hóa tối đa các vấn đề cần quy định, dự thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện bổ sung vào hồ sơ dự thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại khoản 2 Điều 11. Hiện tại còn rất nhiều nội dung đang giao cho Chính phủ quy định mà chưa có nghị định hướng dẫn trong hồ sơ dự án luật trình Quốc hội lần này.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.210.556
    Trong năm: 983.534
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 2.873
    Online: 71