Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 07/01/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi cũng rất đồng tình với các ý kiến đã phát biểu trước tôi. Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ rất mới, rất khó và rất quan trọng, để chúng ta bố trí, phân bổ không gian phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, liên vùng. Tôi cũng đánh giá rất cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành có liên quan trong vấn đề xây dựng quy hoạch. Quy hoạch được chuẩn bị rất công phu và chúng ta đã hoàn thiện theo tinh thần Kết luận số 45 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Song, để tiếp tục góp phần hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia, tôi xin đề xuất một số nội dung sau đây.
Vấn đề thứ nhất, về định hướng sử dụng đất quốc gia. Báo cáo các vị đại biểu Quốc hội, chúng ta đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đã được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 2. Lần này chúng ta định hướng phần sử dụng đất quốc gia trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, tôi thấy rằng có những phần chúng ta cần phải nghiên cứu thêm trong vấn đề định hướng sử dụng đất cho 8 lĩnh vực lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị, cơ sở hạ tầng, đất quốc phòng, an ninh. Tất cả những định hướng này chúng ta vẫn dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia, mà lẽ ra quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia. Theo tôi, những định hướng về sử dụng đất quốc gia thì chúng ta không nên quá phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, như thế thì chúng ta mới đáp ứng được sự phân bổ các loại đất cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là đất dành cho các khu công nghiệp, khu kinh tế là đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đô thị và thông qua việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia vừa rồi thì tôi thấy nhiều địa phương phản ánh việc phân bổ để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là đất cho khu công nghiệp, đất cho giao thông, một số cơ sở hạ tầng khác chưa đáp ứng yêu cầu. Cho nên, tôi đề nghị chúng ta cần phải có định hướng mang tính chiến lược hơn. Tôi rất đồng tình việc chúng ta định hướng giữ ổn định khoảng 3,5 triệu hecta đất lúa, giữ được rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, còn lại một số loại đất khác theo tôi cần có sự linh hoạt hơn trong việc cân đối để tạo được nhiều hơn quỹ đất cho phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, rồi đất dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hay là đất đô thị. Tôi đề xuất cần bổ sung thêm việc định hướng sử dụng đất đối với Khu công nghệ cao, tôi cho rằng đây là một nội dung rất quan trọng mà trong dự thảo quy hoạch chúng ta chưa đề cập đến.
Vấn đề thứ hai, tôi đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thể hiện rõ hơn các chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển đất nước, phát triển vùng, các ngành và các địa phương, trong đó có Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ở một số nội dung sau đây.
Vấn đề thứ nhất, về định hướng phát triển vùng động lực phía Bắc. Tôi hoàn toàn thống nhất là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh và tôi đề xuất thêm Thanh Hóa, đã được Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị xác định rất rõ là "xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc". Vì vậy, việc cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, việc bổ sung quy hoạch Thanh Hóa vào quy hoạch phát triển vùng kinh tế động lực cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc là một việc rất cần thiết.
Vấn đề thứ hai, về phát triển các hành lang kinh tế. Thanh Hóa là 1 tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc với Bắc Trung Bộ. Tôi đề nghị trong hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Bắc nên có thêm một hành lang đó là Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Thanh Hóa, bởi vì Thanh Hóa có 11 huyện miền núi phía Tây lâu nay nhiều chính sách đang được thực hiện như các tỉnh ở phía Tây Bắc. 4 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa hiện tại đang được kết nối bởi Quốc lộ 6, Quốc lộ 15 từ Hòa Bình đi Thanh Hóa. Nếu thiết lập hành lang này sẽ có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Bắc và Thanh Hóa, bởi vì Thanh Hóa có lợi thế về cảng hàng không Thọ Xuân, khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn, do đó hàng hóa, phương tiện của Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình đến Thanh Hóa sẽ rất thuận lợi.
Thứ ba, về định hướng ưu tiên phát triển khu vực dịch vụ tại các địa bàn. Tôi đề nghị quy hoạch cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn việc xây dựng trung tâm logistics ở khu vực Bắc Trung Bộ. Trong dự thảo quy hoạch mới xác định được các trung tâm logistics tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đã xác định rất rõ xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng 1 tại khu vực kinh tế Nghi Sơn. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung nội dung này vào trong quy hoạch.
Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.