Sáng 26/5/2023, tiếp tục Chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.
Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp!
Kính thưa Quốc hội!
Trước hết, tôi tán thành với nhiều nội dung Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật quy định “Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.
Về vấn đề này, Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH đã có giải thích và cho rằng việc kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận là không bắt buộc đối với tất cả mọi trường hợp. Tuy nhiên, nội dung này cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành, kịp thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế. Cụ thể là:
- Một: Đối với hàng hóa, sản phẩm thì có thể kiểm tra được, nhưng đối với dịch vụ thì chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng. Cho nên không thể quy định là kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung.
- Hai: Đối với hàng hóa, sản phẩm thì có thể lựa chọn nguồn gốc, xuất xứ theo nhãn mác, giấy chứng nhận… nhưng đối với dịch vụ thì không thể và không xác định theo tiêu chí nguồn gốc, xuất xứ.
- Ba: Việc kiểm tra và lựa chọn trước khi nhận hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ như dự thảo đúng quy định là nghĩa vụ của người tiêu dùng. Trên thực tế việc kiểm tra, lựa chọn và quyết định mua sản phẩm, hàng hóa và quyết định sử dụng dịch vụ được người tiêu dùng luôn thực hiện một cách tự nhiên nhất để đáp ứng với nhu cầu và mong muốn của họ. Nếu người tiêu dùng không kiểm tra, không lựa chọn tìm hiểu kỹ về số lượng, công dụng, tác dụng, lợi ích… của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ so với nhu cầu của mình mà vẫn mua, vẫn lựa chọn sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì có nghĩa nhu cầu của họ chưa hoặc không được đáp ứng và họ phải tự chịu trách nhiệm. Chúng ta đều biết, các quy định được xây dựng trong dự án Luật này là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trước sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khiếm khuyết, không đảm bảo chất lượng. Vậy trách nhiệm trước tiên phải là của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ra xã hội phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định… Do vậy, việc quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong trường hợp này không khác gì đẩy trách nhiệm cho chính những người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi của họ.
Mặt khác, khi quy định việc kiểm tra là nghĩa vụ của người tiêu dùng thì đó là điều họ phải thực hiện bất luận trong trường hợp nào. Thực tế thì không phải vậy vì việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dựa trên chính uy tín của nhà sản xuất, cung cấp mà không cần phải kiểm tra trước khi quyết định. Tuy nhiên nếu không thực hiện thì họ cũng có lỗi vì không thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra và có thiệt hại thì yếu tố lỗi luôn được mang ra xem xét và là căn cứ để giải quyết.
Do đó, tôi đề nghị xem xét bỏ quy định tại Khoản 1, Điều 5. Việc loại bỏ Khoản 1 không những phù hợp hoàn toàn với các nguyên tắc về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được thể hiện tại Điều 6 mà còn phù hợp và không trái với Khoản 3, Điều 4 Dự thảo Luật bởi lẽ việc kiểm tra, lựa chọn và quyết định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của chính mình là quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ hai, về hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp tại Điều 46.
Dự thảo Luật lần này đã có tiếp thu các ý kiến góp ý và có chỉnh lý so với Dự thảo trước. Tuy nhiên, vẫn chưa quy định rõ, cụ thể về hình thức, về nội dung của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp hoặc quy định về hình thức, nội dung phải tuân theo quy định của pháp luật nào. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ quy định về hình thức và nội dung của Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp hoặc chỉ dẫn cụ thể pháp luật áp dụng cho loại hợp đồng này.
Thứ ba, về án phí, lệ phí tòa án đối với vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 71.
Quy định này cũng đã được nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý so với dự thảo trước. Tuy nhiên, còn một số điểm cần phải được xem xét tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp. Cụ thể như sau:
Một là, đối với tên gọi của điều luật: Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định hai loại thủ tục giải quyết bao gồm thủ tục giải quyết vụ án dân sự và thủ tục giải quyết vụ việc dân sự. Tương ứng với hai thủ tục vừa nêu, nếu giải quyết vụ án dân sự thì khi giải quyết Tòa án sẽ xem xét quyết định vấn đề án phí và nếu là giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án sẽ xem xét quyết định vấn đề lệ phí. Do vậy, tên gọi của Điều 71 dự thảo Luật là chưa phù hợp các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự như vừa nêu, bởi lẽ đã là vụ án dân sự thì không đặt ra vấn đề lệ phí.
Hai là: Tiếp thu Công văn số 86/TANDTC-PC ngày 12/5/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc góp ý kiến đối với Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã có những rà soát, chỉnh lý. Tuy nhiên, việc chỉnh lý vẫn chưa phù hợp với các quy định tại điều b, Khoản 1, Điều 11 của Nghị quyết 326/2016/QH14 ngày 20/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí của Tòa án.
Từ phân tích trên, đề nghị từ tên gọi và cả nội dung tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 71 cần phải được rà soát, chỉnh lý lại cho phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết 326 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ tư, quy định về việc xử lý khoản tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp vụ án cho tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng và giao cho Chính phủ quy định tại Điều 73.
Việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều 73 là chưa hợp lý, bởi lẽ: Nếu hướng dẫn quy định chi tiết việc giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Khoản 1 dễ dẫn đến việc chồng lấn về thẩm quyền với Tòa án, vì Khoản 1 đã quy định tiền bồi thường và đối tượng thiệt hại được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
Theo Khoản 2, Điều 73 trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng cụ thể là ai thì số tiền đó được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc giao Chính phủ quy định chi tiết mà không đề cập gì đến thẩm quyền của Tòa án là chưa phù hợp, vì nếu không có bản án quyết định của Tòa án tuyên bố về nội dung bồi thường thì không có cơ sở để thực hiện. Do đó tôi đề nghị xem xét, chỉnh lý Điều 73 cho phù hợp.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.