Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Sáng 27/5/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Tại phiên thảo luận, ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia phát biểu ý kiến góp ý vào dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn.

Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát năm 2024; các kiến nghị đề xuất giám sát của các cơ quan, tổ chức đã được tổng hợp đầy đủ với 88 vấn đề trong 10 lĩnh vực. Trên cơ sở đó đã khái quát và tập trung đưa ra 4 chuyên đề, để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Đây là những vấn đề được lựa chọn phù hợp và rất có ý nghĩa thời sự để Quốc hội cân nhắc và quyết định lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao. Tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, chuyên đề về chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Về cơ bản, tôi tán thành đưa chuyên đề này vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 nhưng cần tập trung hơn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội bởi các lý do sau: Chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trước năm 1992, Nhà nước đã thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước. Đến năm 1991, với sự ra đời của Pháp lệnh Nhà ở thì chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện chính thức lần đầu trong Luật Nhà ở năm 2005, với ý nghĩa nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội, theo đó, Nhà nước sẽ ban hành cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì cũng còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân, đặc biệt là cho đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đề ra. Thực tế còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm không có người tham gia, trong khi đó có nơi số lượng người tham gia lại quá đông; cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội cũng còn dư luận nhiều chiều.

Để phát triển nhà ở xã hội thực sự đạt yêu cầu, mục đích xã hội cần phải định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội. Do đó, để phạm vi giám sát được toàn diện, cần có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở xã hội với thời gian giám sát nên bắt đầu từ năm 2006 (thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở năm 2005) cho đến hết năm 2023.

Để quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, đó là tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội; theo đó, đề nghị nội dung giám sát cần tập trung rõ và trả lời được các vấn đề sau:

Cụ thể là: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội?

- Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội?

- Nhà ở xã hội được trợ cấp và hỗ trợ như thế nào?

- Thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao?

- Mục tiêu, ý nghĩa chính sách của nhà ở xã hội thông qua kết quả đạt được như thế nào.

Cùng với đó, cần làm rõ 3 nội dung về nhà ở xã hội, đó là: Môi trường, cơ sở vật chất của các khu nhà ở xã hội, gồm các đặc điểm và điều kiện bên ngoài của khu nhà, cây xanh, mức độ ô nhiễm và tiêu chuẩn bảo trì. Tiếp đến là Môi trường xã hội, như bảo đảm an toàn trật tự xã hội, trình độ, ý thức và lối sống của những người tại khu vực có nhà ở xã hội. Thứ ba là Địa điểm và Cơ sở vật chất công cộng như chợ, nhà hàng, khu vực thể thao, sân chơi, địa điểm văn hóa; cuối cùng là: Địa điểm và kết nối giao thông - với ý nghĩa là khả năng liên kết tiếp cận khu nhà ở xã hội hoặc từ nhà ở xã hội đến nơi làm việc của người dân, cũng như đến các địa điểm khác trong cùng địa phương.

Về chuyên đề giám sát thứ hai, đề nghị xem xét, lựa chọn chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập kể từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Kính thưa Quốc hội, đổi mới và đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện hơn 20 năm, kể từ Kết luận số 37 ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 19 có nội dung là tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng và hoạt động hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, quy định chung là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày Nghị quyết 19 được ban hành cho đến nay, thì cần phải làm rõ: có phải sẽ giám sát việc thực hiện các nội dung tại Nghị quyết 19 hay không. Trong khi Nghị quyết 19 đang được các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sơ kết 5 năm theo yêu cầu của Ban Kinh tế Trung ương.

Hiện nay, không có một đạo luật riêng điều chỉnh chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; mà chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập đang được điều chỉnh bởi rất nhiều đạo luật, như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Báo chí, v.v..

Theo tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục Thống kê công bố thì tổng số đơn vị sự nghiệp công lập là 52,2 nghìn đơn vị, với gần 2,4 triệu lao động. Trong đó, ngành giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất, với 42,2 nhìn đơn vị (chiếm trên 80%) với 1,6 triệu lao động; thứ 2 là ngành lưu trú và khác chiếm 12,4%, với 198 nghìn lao động; ngành y tế chiếm 3,6%, với 434 nghìn lao động; đơn vị văn hóa, thể thao chiếm 2,3%, với 35,5 nghìn lao động; ngành thông tin, truyền thông chiếm 1,5%, với 37 nghìn lao động.

Do đó, nếu lựa chọn chuyên đề này, đề nghị cân nhắc xác định rõ phạm vi giám sát hơn, cụ thể là sắp xếp, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, hay việc thực hiện các hoạt động chuyên môn của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp các dịch vụ công cho Nhân dân?

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    408 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.804.039
    Trong năm: 1.164.213
    Trong tháng: 137.359
    Trong tuần: 30.012
    Trong ngày: 1.883
    Online: 142