Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 30/5, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về: Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Trần Văn Thức.
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tôi tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Dự thảo luật sau khi thông qua sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên không gian mạng. Để chất lượng dự thảo luật được tốt hơn, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau.
Thứ nhất, qua nghiên cứu dự thảo luật, thuật ngữ "tham chiếu" được sử dụng 8 lần, đây là một thuật ngữ mang tính chất chuyên ngành và được sử dụng trong nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau như khoa học máy tính, xã hội học, kiến trúc, tài chính, chứng khoán. Theo đó, trong giao dịch điện tử, thuật ngữ "tham chiếu" được sử dụng với ý nghĩa như thế nào cần được giải thích cụ thể để đảm bảo việc vận dụng. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một khoản vào Điều 3 để giải thích và làm rõ nội hàm của thuật ngữ "tham chiếu".
Thứ hai, tại khoản 1 Điều 9 quy định "lợi dụng giao dịch điện tử gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân", để đảm bảo tính bao quát, toàn diện được quy định tại điều luật, đề nghị sửa lại như sau "lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".
Thứ ba, tại Điều 12 dự thảo luật quy định về giá trị như văn bản của thông điệp dữ liệu như sau "trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu, nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy, liên quan tới việc chứng thực cũng được quy định tại luật này, tại các điều từ Điều 31 đến Điều 36. Do vậy, đề nghị sửa lại quy định vừa trích dẫn nêu trên như sau: "Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của luật này và pháp luật về công chứng, chứng thực.
Thứ tư, tại khoản 3 Điều 14 dự thảo luật về giá trị dùng làm chứng cứ có thông điệp dữ liệu quy định "thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cứ theo quy định của pháp luật về tố tụng". Tôi đề nghị xem xét bổ sung vào khoản 3 để sửa đổi lại như sau: "Thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cứ theo quy định của luật này và pháp luật về tố tụng". Bởi lẽ, các quy định của pháp luật về tố tụng như tố tụng hình sự, tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính chỉ quy định các thuộc tính của chứng cứ, giá trị chứng cứ theo quy định chung của từng lĩnh vực tố tụng mà không có quy định cụ thể, chi tiết các vấn đề liên quan tới thông điệp dữ liệu điện tử như độ tin cậy của cách thức khởi tạo; gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác. Các vấn đề này chỉ được quy định trong Luật Giao dịch điện tử. Do vậy, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi và tính hiệu lực trong việc dẫn chiếu, áp dụng thực hiện trên thực tế thì cần phải quy định thông điệp dữ liệu dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về tố tụng như nêu trên.
Thứ năm, tại khoản 3 Điều 38 quy định "Chính phủ quy định chi tiết về giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử". Theo tôi, cần phải xem xét lại quy định tại khoản 3 vừa nêu trên. Bởi lẽ, về nội dung, hình thức giao kết hợp đồng nói chung đã được quy định tại Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành khác có quy định về hợp đồng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Đồng thời, để thống nhất với quan điểm xây dựng luật là chỉ quy định những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung, điều kiện, hình thức đã được pháp luật khác quy định. Mặt khác, dự thảo luật đã quy định các vấn đề liên quan từ Điều 37 đến Điều 41. Vì vậy, tôi đề nghị cần cân nhắc xem xét quy định tại khoản 3 Điều 38 nêu trên.
Thứ sáu, về quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Trân - Đoàn Bình Dương, đại biểu Chiến - Đoàn An Giang và một số đại biểu khác. Đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật về cơ yếu. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ trực tiếp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương theo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.