Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 20/06/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự thảo luật. Để tiếp tục hoàn chỉnh Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), tôi xin được tham gia một số nội dung cụ thể sau đây:

Một là, về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và văn bản hướng dẫn các dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức có liên quan. Tại khoản 7 Điều 44 của dự thảo luật quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan khi đầu tư xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn. Tôi cho rằng việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết. Song băn khoăn quy định như vậy sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Việc quy định như vậy có thể dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện 2 lần công tác lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có 2 bộ hồ sơ gây tốn kém, không cần thiết và chi phí làm thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định này.

Hai là về lấy ý kiến quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Cơ bản tôi cũng thống nhất như ý kiến đã phát biểu và xin được có ý kiến thêm. Quy định về tài nguyên nước, quy định lưu vực sông có ảnh hưởng lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Việc hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước, trong khi đó dự thảo luật chưa quy định đủ rõ về việc lấy ý kiến những đối tượng tác động này trong quá trình lập quy hoạch. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp quy định tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước thì cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó. Chẳng hạn, nguồn nước đang được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được đề xuất thay đổi sang chức năng chỉ cho sinh hoạt, không sử dụng làm nông nghiệp nữa thì việc cá nhân, tổ chức đang sử dụng nguồn nước đó phải lấy ý kiến, hồ sơ lấy ý kiến nên bao gồm 1 trong 3 tài liệu sau đây.

Thứ nhất, lấy ý kiến của người đang sử dụng nguồn nước.

Thứ hai, biên bản có xác nhận của chính quyền cấp xã về việc người đó không có ý kiến.

Thứ ba, biên bản có xác nhận của chính quyền địa phương về việc không liên lạc được với người đó.

Ba, về phòng, chống sụt lún đất, tại khoản 2 Điều 62 quy định trường hợp xảy ra sụt lún đất thì phải dừng việc thăm dò, khai thác, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục và báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất. Như vậy, việc quy định chính quyền địa phương nơi gần nhất chưa rõ là chính quyền địa phương nào, chính quyền địa phương theo phân cấp hành chính hay là chính quyền địa phương có khoảng cách địa lý gần nhất vị trí sụt lún đất. Theo tôi nên quy định cụ thể về việc báo ngay cho chính quyền địa phương theo phân cấp hành chính là phù hợp nhất.

Bốn, về phòng, chống sạt lở lòng bờ, bãi, sông, hồ. Quy định này có một số đại biểu đã phát biểu, tôi xin được phát biểu thêm một số ý kiến.

Trước hết là đồng tình, tại khoản 1, khoản 2 Điều 63 của dự thảo quy định là "hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên lòng hồ, sông được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý tài nguyên nước", quy định này sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền. Vì hiện nay các hoạt động này đều phải thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật, bao gồm thủ tục về xây dựng đối với công trình; thủ tục về khoáng sản đối với khai thác cát, sỏi; thủ tục về giao thông đối với việc nạo vét lòng, tuyến, xây dựng cầu cảng; thủ tục về môi trường đối với dự án đầu tư; thủ tục về thủy lợi nếu có liên quan đến công trình thủy lợi. Theo nguyên tắc về cải cách thủ tục hành chính, mỗi vấn đề chỉ có một đầu mối phụ trách, các cơ quan khác phối hợp. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng người dân và doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần tại cơ quan, các cơ quan khác phối hợp, cho ý kiến và ra quyết định cùng một lúc giống như quy định tại khoản 3 Điều 63 dự thảo quy định về trường hợp khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông.

Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    453 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.844.467
    Trong năm: 1.185.218
    Trong tháng: 139.636
    Trong tuần: 33.478
    Trong ngày: 3.683
    Online: 142