Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 24/06/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cao Mạnh Linh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cao Mạnh Linh.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi tán thành sự cần thiết ban hành luật với những lý do được nêu trong tờ trình. Để đảm bảo tính phù hợp, khả thi của dự luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về một số nội dung, chính sách, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tổ chức của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo việc không sắp xếp toàn bộ lực lượng dân phòng là để huy động Nhân dân tham gia bảo đảm lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, đồng thời không làm tăng số người tham gia hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Như một số ý kiến đã phát biểu, tôi cho rằng lập luận này là chưa thuyết phục, bởi một số lý do như sau:

Một là, việc sắp xếp như vậy chưa đảm bảo tinh gọn đầu mối theo mục tiêu đề ra, khi ở các xã sẽ có 2 lực lượng là dân phòng và tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở các phường, thị trấn vẫn sẽ có 2 lực lượng là tổ bảo vệ an ninh, trật tự và dân phòng cùng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tham gia phòng cháy, chữa cháy.

Hai là việc sắp xếp như vậy cũng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động, chưa khắc phục được sự không đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng lấn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng như đã được nêu trong báo cáo tổng kết.

Ba là việc sắp xếp như vậy cũng chưa phù hợp với nguyên tắc tổ chức con người phải trên cơ sở yêu cầu chức năng, nhiệm vụ. Theo báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo, tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập sẽ kế thừa nguyên đội ngũ con người của tổ bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn hiện nay và đội ngũ công an xã bán chuyên trách ở các xã hiện nay mà không phải qua quá trình tuyển chọn, trong khi báo cáo tổng kết đã đánh giá một trong những hạn chế của lực lượng bảo vệ dân phố là trình độ, năng lực không đồng đều, một số còn thiếu tinh thần trách nhiệm.

Bốn là việc sắp xếp như vậy cũng không khắc phục được khó khăn về việc bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng cũng như những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của lực lượng dân phòng như báo cáo tổng kết đã nêu, đó là nhiều đội dân phòng được thành lập chỉ mang tính hình thức, chất lượng hoạt động phòng cháy, chữa cháy của lực lượng này còn hạn chế, bất cập, hoạt động còn mang nặng tính hình thức, nặng về phong trào.

Với các lý do như trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trong dự thảo luật để sửa các quy định có liên quan trong Luật Phòng cháy, chữa cháy nhằm kiện toàn lại toàn bộ các lực lượng thành một lực lượng thống nhất thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở. Đồng thời, nghiên cứu có cơ chế để huy động sự tự nguyện tham gia của người dân cho phù hợp nhằm khắc phục hạn chế hiện nay, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động như mục tiêu đề ra.

Thứ hai, về khung số lượng người tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong báo cáo giải trình, cơ quan soạn thảo cho rằng nên để chính quyền địa phương quyết định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự và điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, tôi cho rằng do lực lượng này được hưởng hỗ trợ thường xuyên về ngân sách nên ngoài việc giao địa phương tự quyết định số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số người tham gia cụ thể thì cần thiết phải có quy định khung số lượng người tham gia tối thiểu và tối đa bao nhiêu người tại một đơn vị cấp xã ngay trong luật để tránh tùy nghi vì thực tiễn nếu địa phương có điều kiện về ngân sách có thể sẽ bố trí số lượng người nhiều hơn, nhưng địa phương do khó khăn về ngân sách nên dù nhu cầu thực tiễn là có nhưng lại không bố trí đủ số lượng người theo yêu cầu. Đồng thời, nếu không có khung cơ bản thì sẽ khó khăn trong việc cân đối ngân sách và đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về tình hình hoạt động của lực lượng công an chính quy ở cơ sở, đặc biệt là lực lượng công an chính quy ở các xã và các lực lượng tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự thời gian qua để xác định khung số người tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Đồng thời quy định một số tiêu chí để địa phương xem xét, quyết định cụ thể, như so sánh giữa đô thị và nông thôn về phạm vi địa bàn, tính chất, mức độ phức tạp về an ninh, trật tự, qua đó bảo đảm số lượng người tham gia thực sự là tinh gọn và hiệu quả.

Ngoài ra, để phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thì đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế để những người dân khác nếu có nguyện vọng và tình nguyện thì có thể đăng ký tham gia hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, họ sẽ được tham gia tập huấn kỹ năng và huy động khi có yêu cầu tham gia thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Đây là cơ chế tương tự như cơ chế tham gia phòng cháy, chữa cháy tình nguyện quy định tại Điều 32 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện nay. Tôi cho rằng khi thực hiện cơ chế này sẽ góp phần làm giảm chi ngân sách mà vẫn phát huy hiệu quả vai trò của Nhân dân trong việc tham gia phong trào bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

Ngoài ra, về cơ chế bầu tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Để thực sự phù hợp với tính chất tự nguyện, tự quản nhưng đặt dưới sự quản lý, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và công an cấp xã của lực lượng này, đề nghị việc tổ chức bầu không giao cho công an cấp xã chủ trì như quy định trong dự thảo mà nên giao cho thôn, tổ dân phố chủ động tổ chức việc lựa chọn tổ viên, dưới sự kiểm tra, giám sát, phối hợp và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và công an cấp xã cho phù hợp.

Thứ ba, về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho phù hợp với tính chất tự nguyện, tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, nhưng đặt dưới sự quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền và lực lượng công an chính quy ở cơ sở. Theo dự thảo, chủ yếu các chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này đều được thực hiện theo sự chỉ đạo, phân công của lực lượng công an, như vậy là chưa rõ vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời, chưa đảm bảo tính chủ động trong việc phát huy tính tự nguyện, tự quản thông qua thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, như việc chủ động nắm bắt tình hình, thông tin về an ninh, trật tự ở cơ sở, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc vận động nhân dân tham gia chấp hành pháp luật, v.v.. Do đó, đề nghị cần quy định rõ về phạm vi, trách nghiệm, cách thức thực hiện với từng nhóm nhiệm vụ của lực lượng này cho phù hợp với vị trí, vai trò và nhiệm vụ của họ trên thực tiễn.

Ngoài các vấn đề trên, tôi cũng tán thành với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa và nhiều đại biểu khác là cần đánh giá kỹ lưỡng về nguồn kinh phí bảo đảm; về phụ cấp, trang phục, công cụ hỗ trợ; mối tương quan về chế độ, chính sách so với các lực lượng khác như lực lượng dân quân tự vệ; khả năng đáp ứng của các địa phương; cơ chế cụ thể để hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương cho các địa phương có khó khăn về ngân sách, v.v., qua đó để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Tôi xin hết. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    453 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.844.482
    Trong năm: 1.185.218
    Trong tháng: 139.636
    Trong tuần: 33.478
    Trong ngày: 3.698
    Online: 152