Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng 23/06/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với những cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Để hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau.

Thứ nhất, về nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 2. Điều 2 có 17 khoản giải thích các khái niệm liên quan đến công trình quốc phòng, khu quân sự, tuy nhiên tôi thấy trong số các công trình quốc phòng loại A tại điểm a khoản 3 Điều 5 có quy định "các thành cổ, pháo đài cổ, hầm, hào, lô cốt do chế độ cũ xây dựng". Theo tôi, các cụm từ "thành cổ", "pháo đài cổ", "chế độ cũ" được hiểu như thế nào cũng cần phải được phân tích, làm rõ tại phần giải thích từ ngữ để khi luật được ban hành dễ áp dụng trong thực tiễn.

Thứ hai, về quy định tại Điều 5 phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự. Tôi cho rằng, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự thành quá nhiều nhóm, đến 8 nhóm, vừa phân loại theo chiều dọc, vừa phân loại theo chiều ngang như trong Điều 5 sẽ khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Do vậy, tôi đề nghị nghiên cứu, phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự theo căn cứ yêu cầu quản lý, bảo vệ để quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp. Mặt khác, đề nghị nghiên cứu chỉ nên giao cho Bộ Quốc phòng mà không cần giao cho Chính phủ ban hành danh mục loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự vì Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Việc giao cho Bộ Quốc phòng ban hành danh mục loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự còn bảo đảm tính nhanh chóng, linh hoạt và giảm bớt thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu tác chiến của Quân đội nhân dân.

Thứ ba, về quy định tại Điều 6 những hành vi bị cấm. Về tổng thể, khoản 1, 2, 3 của điều luật này mới tập trung vào việc quy định những hành vi bị cấm đối với đối tượng là công trình quốc phòng và khu quân sự mà chưa đề cập tới những hành vi bị cấm đối với đối tượng là khu vực bảo vệ vành đai an toàn của công trình quốc phòng hoặc khu quân sự và hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng ten quân sự. Mặc dù tại Điều 17 quy định tương đối chi tiết chế độ bảo vệ đối với khu vực bảo vệ vành đai an toàn của công trình quốc phòng hoặc khu quân sự và hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng ten quân sự. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung những hành vi cấm đối với khu vực bảo vệ vành đai an toàn của công trình quốc phòng hoặc khu quân sự và hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng ten quân sự để đảm bảo đồng bộ, tương thích giữa các điều luật.

Về quy định cụ thể. Tại khoản 1 quy định cấm hành vi phá hoại làm hư hỏng, hư hỏng kiến trúc, kết cấu, trang thiết bị của công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhưng tại khoản 3 lại quy định cấm hành vi phá dỡ công trình quốc phòng và khu quân sự trái quy định của pháp luật. Tôi cho rằng bản chất của việc phá dỡ trái pháp luật và phá hoại làm hư hỏng, do vậy, đề nghị biên tập lại nội dung khoản 1, 2, 3 của điều luật này theo hướng quy định 2 nhóm hành vi nghiêm cấm: Một là, những hành vi có tính chất tác động vật lý như: chiếm đoạt, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình quốc phòng, khu quân sự. Hai là, những hành vi cấm liên quan đến việc bảo vệ bí mật đối với công trình quốc phòng và khu quân sự.

Thứ tư, về quy định tại Điều 11 chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự. Trong đó tại điểm b và c khoản 2 điều luật này quy định những trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự gắn liền với việc chuyển đổi mục đích đất quốc phòng sang loại đất khác. Nghĩa là phải thực hiện việc thu hồi đất quốc phòng để giao cho người khác như các chủ đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định nội dung điều luật này, đảm bảo đồng bộ với các quy định về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác của Luật Đất đai và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang thảo luận tại kỳ họp này.

Thứ năm, trong số những công trình quốc phòng có một số công trình sử dụng chung vừa cho mục đích quốc phòng vừa cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội như sân bay, bến cảng. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa đề cập tới việc quản lý, khai thác, sử dụng kết hợp. Năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã có Nghị quyết 132 cho phép thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đến nay chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 132 được trên 2 năm. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần sớm có sơ kết, đánh giá về kết quả thực hiện. Từ đó sớm đề nghị các chính sách quản lý khai thác công trình quốc phòng kết hợp với mục đích kinh tế ngay trong dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận cùng với dự thảo Luật Đất đai.

Ngoài ra, tôi đề nghị cần làm rõ về chế độ, chính sách với các đối tượng tham gia bảo vệ công trình quốc phòng, nhất là tại các khu vực an toàn khu.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    453 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.844.592
    Trong năm: 1.185.218
    Trong tháng: 139.636
    Trong tuần: 33.478
    Trong ngày: 3.808
    Online: 50