Bức tranh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức
Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế của nước ta dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn đang trong xu thế quay đầu về suy giảm. Năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt, nhưng năm 2023 dự báo có 5/18 chỉ tiêu không đạt, trong đó, có những chỉ tiêu rất quan trọng, như: tỷ trọng về giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, nhất là như công nghiệp chế biến chỉ đạt được 1,65%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hay về giải ngân vốn đầu tư, theo báo cáo của Chính phủ thì khá hơn năm ngoái nhưng hiện nay qua thống kê có 30/63 địa phương giải ngân trên 50%; 29 bộ, ngành và 3 địa phương giải ngân dưới 30%; 17 bộ, ngành và cơ quan giải ngân dưới 10%. Do đó, có thể xảy ra áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại vào cuối năm và nguy cơ cao là các địa phương, các ngành đề nghị để chuyển nguồn sang năm 2024.
Trong lĩnh vực du lịch, đại biểu Hùng chia sẻ: qua nghiên cứu báo cáo Chính phủ cũng thấy là lượng khách quốc tế của Việt Nam đến nay mới đạt có 44% so với mục tiêu đề ra. Bên canh đó, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bình quân một tháng có đến 15.000 doanh nghiệp phải giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới thì lại giảm và doanh nghiệp rất khó khăn trong cái tiếp cận các nguồn vốn, nhất gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thì hiện nay theo báo cáo thống kê lại của ngân hàng nhà nước thì gói này mới giải ngân được có 1,95%.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng đặc biệt quan tâm đến những khó khăn trong triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đại biểu, hầu hết các địa phương rất lúng túng, không triển khai được; nhiều dự án không khả thi, vướng mắc. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tính đến khả năng sau giám sát, Quốc hội phải ban hành một nghị quyết về cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, đặc cách nhiều vấn đề mà luật chưa quy định. Đại biểu Hùng nêu thực tế, chương trình phát triển đồng bào dân tộc thiểu số miền núi hiện có những nguồn vốn dù không có đối tượng thụ hưởng nhưng vẫn bố trí nên không giải ngân được. Cùng với đó, hiện nay, có trên 100 chính sách dân tộc bà con không được hưởng vì phải chờ chương trình được triển khai.
Nâng cao năng lực dự báo
Trước những hạn chế, khó khăn đó, đại biểu Hùng cho rằng, cần phải xem lại và phải có năng lực về dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Năm 2022 dự báo tăng trưởng là 6 - 6,5% nhưng đến cuối năm thì tăng trưởng lên đến 8,02%; năm 2023 cũng dự báo là 6 - 6,5%, và hiện nay khả năng dự báo được 5% là cao; chưa kể, trong kế hoạch đề ra năm 2024 cũng dự báo tăng trường từ 6 - 6,5%. Đại biểu Hùng cho rằng dự báo số liệu tăng trưởng chưa sát, chưa căn cứ vào thực tiễn.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển, quan trọng nhất là xây dựng được những nghị quyết quy định cơ chế đặc thù để kích cầu phát triển. Điển hình nhất là đặc thù triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nếu không thì rất khó triển khai.
Để bảo đảm kinh - tế xã hội phát triển, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an - ninh phải vững, cần làm tốt việc nắm, dự báo, phân tích tình hình để xử lý các tình huống. Nếu chính trị không ổn định đặc biệt ở các địa bàn chiến lược thì rất khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế.