Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với chủ đề "Một hành trình - Nhiều trải nghiệm" đã được tổ chức trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2024 nhằm tìm kiếm sự hợp tác, liên kết xúc tiến điểm đến, xây dựng, định vị thị trường, sản phẩm du lịch và dịch vụ mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định: liên kết vùng và liên vùng giữa các điểm đến du lịch địa phương là một xu thế tất yếu nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xúc tiến điểm đến, xây dựng, định vị thị trường, sản phẩm du lịch và dịch vụ mới.
Với chủ đề "Một hành trình - Nhiều trải nghiệm", hội nghị nhằm xây dựng hình ảnh du lịch 4 địa phương thông qua liên kết thành một hành trình, nhiều trải nghiệm; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2024 đến với các tỉnh thành phía Bắc; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch 4 địa phương gặp gỡ các đối tác du lịch trong cả nước.
Theo ông Bùi Văn Mạnh, Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là khu vực có vị trí địa lý đặc biệt thuộc vùng Bắc và Bắc Trung Bộ, là cầu nối giữa Hà Nội với khu vực Bắc Trung Bộ, giữa Tây Bắc và Đồng Bằng Sông Hồng, giữa các tỉnh miền trung với nước bạn Lào, Thái Lan.
Vùng liên kết này có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không tương đối phát triển, thuận lợi, kết nối ba tuyến quan trọng trên trục giao thông Bắc - Nam gồm đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường Hồ Chí Minh; cùng nhiều sân bay, cảng biển.
4 địa phương cũng sở hữu nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia giàu giá trị như: Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh)…; nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt như: Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn (Nghệ An), Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An), Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)…
Cùng với đó là nhiều Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) - Di sản kép đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Di sản phi vật thể của nhân loại như Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh)… Ngoài ra còn có những di sản văn hóa phi vật thể như: hò Sông Mã, hát xẩm xoan (Thanh Hóa); hát ví giặm, hát phường vải (Nghệ An, Hà Tĩnh), hát Chèo, hát Xẩm (Ninh Bình)…
Đó là những lợi thế vô cùng to lớn của 4 tỉnh để tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế: hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm…
“Với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn đa dạng, 4 tỉnh đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước, như liên kết các tỉnh Bắc miền Trung với thị trường Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên, là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cũng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch hành lang Đông Tây (theo quốc lộ số 8), các chương trình kết nối các di sản như Hành trình qua các miền Kinh đô Việt Cổ...”, ông Mạnh cho hay.
Đây là năm thứ ba Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch để đẩy mạnh hiệu quả từ khai thác các tour du lịch liên kết của các tỉnh. Những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa 4 tỉnh ngày càng được chú trọng, đặc biệt trong phối hợp quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới; đón đoàn Famtrip từ các tỉnh khác đến khảo sát; trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ tuyên truyền thông tin quảng bá du lịch…
Đáng chú ý, nhiều tour du lịch đã được khai thác và tiếp tục xây dựng như Chương trình du lịch khám phá du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An, Vườn quốc gia Pù Mát - kết nối với Vườn quốc gia Bến En Thanh Hóa - Ninh Bình - Hà Nội - các tỉnh Tây Bắc; kết nối du lịch Tây Bắc với Nghệ An qua đường mòn Hồ Chí Minh và đường quốc lộ 1A; tour du lịch đặc trưng riêng có của vùng kết nối qua các kinh đô Việt Cổ (Di tích Cố đô Hoa Lư, Thành nhà Hồ và Đền thờ Vua Quang Trung)…
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá cao những kết quả mà ngành du lịch 4 tỉnh đã đạt được, đồng thời đề nghị các tỉnh tăng cường phối hợp, liên kết, chú trọng tạo ra các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, hấp dẫn, có chất lượng và tính cạnh tranh.
Ông Thủy cũng đề nghị các tỉnh cần tiếp tục chia sẻ thông tin kinh nghiệm, phối hợp trong quản lý về du lịch để giữ chân du khách, tích cực kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng chính sách để du lịch ngày càng phát triển.