Đoàn giám của Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Thanh Hóa

Đoàn giám của Uỷ ban thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thanh Hoá về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023.

Toàn cảnh buổi làm việc Đoàn giám của Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Minh Hiếu)

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Lại Thế Nguyên đã nêu rõ sự quan tâm của tỉnh đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời nêu bật một số vấn đề đặt ra trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, thực hiện tinh giản biên chế và giao tự chủ tài chính, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Uỷ Lại Thế Nguyên đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần có quy định rõ ràng hơn về cơ chế đặt hàng của Nhà nước, có cơ chế để xã hội hoá việc đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp, đồng thời có quy định để bản thân các đơn vị cũng phải tự đổi mới để tồn tại và phát triển.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

Đoàn giám giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã làm việc với Công an tỉnh Thanh Hoá và công an huyện Hậu Lộc về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự từ năm 2021 đến năm 2023.

Toàn cảnh buổi làm việc của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại Công an tỉnh

Tại các buổi làm việc đồng chí Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Tiến đề nghị Cấp uỷ, chính quyền, các ngành và các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường quán tiệt sâu sắc và thực hiện tốt  các chủ trương, quy định của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra, trong đó chú trọng kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao biện pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, đấu tranh với các loại tội phạm. Các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác phối hợp, nhận diện đúng các cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện, phòng ngừa biến tướng trong quá trình hoạt động, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tại huyện Thường Xuân

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND đã giám sát việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, trên địa bàn huyện Thường Xuân.

Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra phòng học trường THCS Dân tộc bán trú Xuân Chinh

 Trước những khó khăn và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Thường Xuân, đồng chí trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện Thường Xuân tập trung, quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là nêu cao vai trò của các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình. Tích cực tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung tay ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân tổ chức thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao hơn. Huyện cần hết sức quan tâm đến việc tổ chức sản xuất, tạo việc làm nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc triển khai thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đúng quy định và đạt kết quả cao nhất.

Chuẩn bị tốt nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc kỳ họp thứ 7. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu. Để chuẩn bị tốt nội dung cho kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến rộng rãi trong Nhân dân về các nội dung trước khi diễn ra kỳ họp.

Đại tướng Lương Cường cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao đổi với lãnh đạo và cử tri huyện Quan Sơn trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Minh Hiếu)

Đoàn đại biểu Quốc hội  tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan có liên quan tổ chức 8 cuộc tiếp xúc cử tri với số lượng 1.550 cử tri trực tiếp tham dự tại các huyện: Quan Sơn, Bá Thước, Quan Hóa, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Thạch Thành và tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến cho các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội thông qua. Qua đó đã có 56 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV gồm: 3 nhóm kiến nghị với Quốc hội; 19 nhóm kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 34 nhóm kiến nghị với 16 Bộ, ngành Trung ương

Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc, cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh; cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đã bám sát thực tiễn, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực từ rất sớm, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Do đó,  tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tạo niềm tin, khí thế, động lực mới để hoàn thành kế hoạch năm 2024.

Cử tri cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về các vấn đề ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như: Dịch bệnh gia súc, gia cầm tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát; giá vật tư, giá xăng dầu, giá vàng, giá vé máy bay tăng cao; tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Tình hình tội phạm còn nhiều tiềm ẩn, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, tội phạm ma túy, bán hàng đa cấp; tai nạn giao thông, các vấn đề về phòng chống cháy, nổ, cho vay nặng lãi... Trên tinh thần dân chủ và cở mở, cử tri các địa phương và đơn vị trong tỉnh đã đưa ra nhiều ý kiến đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm đề xuất các biện pháp để giải quyết.

Đặc biệt, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức các cuộc tiếp xúc chuyên đề để lấy ý kiến của cử tri đối với các dự án sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp đó là các Dự án: Luật Đường bộ và Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi).

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (Ảnh: Minh Hiếu)

Cử tri  đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị; quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ; quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Chấp hành báo hiệu đường bộ;  Đào tạo lái xe; đấu giá biển số xe và hành lang an toàn đường bộ.  

Đối với các dự án luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý  phù hợp, khắc phục những bất cập tồn tại trong Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội trước đây để đảm tốt nhất quyền lợi cho đoàn viên công đoàn và người tham gia bảo hiểm xã hội.

Đối với dự án Luật Bảo hiểm (sửa đổi), cử tri đưa ra nhiều ý kiến đối tượng tham gia, việc hưởng Bảo hiểm xã hội một lần; việc chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý. Cùng với đó, cử tri cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội trên môi trường giao dịch điện tử; việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương có tác động đến các quy định trong dự thảo Luật; về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội của cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Từng kiến nghị của cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá tiếp thu đầy đủ để chuyển đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương xem xét và giải quyết. Đặc biệt, với các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có căn cứ thực tiễn lớn và có tính thuyết phục rất cao đóng góp cho các dự án luật sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu đẩy đủ, đồng thời nghiên cứu, tham gia ý kiến tại kỳ họp và chuyển đến các cơ quan soạn thảo luật, Quốc hội để tiếp thu, sửa đổi bổ sung trước khi thông qua luật, để các đạo luật thông qua nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    387 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.607.945
    Trong năm: 1.066.649
    Trong tháng: 130.880
    Trong tuần: 32.258
    Trong ngày: 3.355
    Online: 117