Thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm và chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVI, Ban Dân tộc HĐND tổ chức giám sát tại huyện Bá Thước, đồng chí Lê Nhân Đồng, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì làm việc, cùng tham dự có Thường trực HĐND và Thường trực UBMTTQ huyện Bá Thước.
Chủ hộ gia đình Ông Hà Trung Kiên, thôn Lọng xã Cổ Lũng là thành viên dự án khôi phục và bảo tồn giống vị Cổ Lũng.
Trước khi có buổi làm việc với lãnh đạo huyện, đoàn đến khảo sát và làm việc tại các xã Lũng Niêm, Cổ Lũng và Điền Lư, 3 xã được huyện lựa chọn xây dựng mô hình điểm. Tại buổi làm việc, UBND huyện đã báo cáo việc triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông, lâm trên địa bàn, kết quả thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất huyện đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông (đơn vị thực hiện dự án) tổ chức mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hợp đồng mua cung ứng giống đảm bảo chất lượng và kiểm dịch an toàn, mô hình chăn nuôi lợn móng cái sinh sản triển khai bước đầu có 50 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con giống khoảng 20kg và 40kg thức ăn chăn nuôi, kinh phí thực hiện dự án là 200 triệu đồng, hiện nay số lợn giống đã đẻ ít nhất từ 2 lứa trở lên, mỗi lứa trên 10 con, doanh thu đạt 40 triệu đồng/hộ/năm.
Bước sang năm 2011 và 2012 UBND huyện Bá Thước đồng ý cho thực hiện dự án Bảo tồn và phát triển giống vịt Cổ Lũng tại các xã khu vực Quốc Thành. Vịt Cổ Lũng là loại vịt có nguồn gốc lâu đời ở địa phương, gắn với địa danh sinh sống ở một số xã trong huyện, trong đó có xã Cổ Lũng nên gọi tắt là (vịt Cổ Lũng) là sản phẩm quý hiếm thịt thơm ngon và chắc, thị trường nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư, đang có nguy cơ giảm dần số lượng và đi đến tiệt chủng; dự án bước đầu có 45 hộ tham gia, trong đó: 10 hộ tham gia nuôi vịt bố mẹ, 5 hộ tham gia mô hình quản lý máy ấp trứng, 30 hộ tham gia mô hình nuôi vịt thịt, kinh phí thực hiện 200 triệu đồng.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tại UBND huyện Bá Thước
Qua buổi làm việc với UBND huyện, đồng chí Lê Nhân Đồng thay mặt đoàn giám sát đánh giá cao việc lựa chọn xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào, nhân dân tiếp cận dễ dàng và ủng hộ tích cực phát triển dự án. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình một cách bền vững, đề nghị UBND huyện cần có sự chỉ đạo tập trung để nhân rộng các mô hình đồng bộ trên địa bàn các xã, đảm bảo tính công bằng trong chính sách, quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, tiêm phòng cho con giống, quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm và thị trường ổn định cho người dân, mở rộng quy mô lò ấp nở trứng, đảm bảo cung cấp đủ con giống trong vùng, nghiên cứu tổng kết mô hình, mời các huyện nghèo tham gia, để nhân rộng trong phạm vi 7 huyện nghèo của tỉnh, tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia, tương trợ giúp đỡ nhau làm kinh tế, thoát khỏi đói nghèo./.
Cầm Bá Chái