Thực hiện Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh khảo sát việc trồng và phân bổ kinh phí hỗ trợ trồng cao su trên địa bàn tỉnh năm 2011-2012; ngày 14 tháng 8 năm 2012 đoàn công tác của Ban do đồng chí Lê Tiến Lam, Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát tại huyện Như Xuân, tham gia làm việc có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại vườn cao su một số hộ của thôn Vân Sơn, Vân Bình xã Cát Vân; thôn Cát Lợi, Tân Thanh xã Cát Tân huyện Như Thanh. Tại vườn cao su của một số hộ đoàn đến khảo sát, qua đối chiếu diện tích trồng cao su trên thực địa với bản đồ giải thửa diện tích đất của từng hộ, cho thấy công tác tổng hợp diện tích cao su đã trồng năm 2011 của xã là tương đối chính xác. Đến nay về cơ bản số cao su đã trồng năm 2011 của các hộ phát triển đạt yêu cầu, một số phát triển tốt, số bị chết đã kịp thời tra dặm.
Tuy nhiên hầu hết các hộ đều tận dụng trồng xen sắn cùng với cao su, do sắn phát triển nhanh hơn nên một số cây cao su bị cớm nắng, phát triển chậm. Các vườn cao su có độ dốc lớn nhưng một số hộ chưa làm đường đồng mức hoặc có làm nhưng chưa đảm bảo kỹ thuật.
Về tiền hỗ trợ trồng cao su của tỉnh, các hộ đều đã được nhận 7.000.000đ/ha, số còn lại huyện sẽ thanh toán sau khi hoàn chỉnh hồ sơ.
Qua làm việc với chính quyền xã và trao đổi với các hộ trồng cao su cho thấy nhân dân phấn khởi và đồng thuận cao với Nghị quyết số 176/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách hỗ trợ phát triển cao su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, do làm tốt công tác vận động, tổ chức, triển khai nên năm 2011 huyện Như Xuân trồng được 843,33 ha cao su đạt 112,4% kế hoạch tỉnh giao.
Tuy nhiên khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết giá cao su giống chỉ khoảng 13-15.000đ/cây, nhưng đến khi thực hiện giá lên đến 21-23.000đ/cây và năm nay khoảng 25.000 đ/cây nên số tiền hỗ trợ 9.000.000 đ/ha không còn phù hợp với thực tế.
Về thanh toán kinh phí hỗ trợ, năm 2012 cơ quan chức năng đã chuyển toàn bộ số tiền hỗ trợ cho các huyện, nhưng diện tích trồng năm 2011 vẫn còn 2.000.000đ/ha chưa thanh toán được cho nhân dân. Năm 2011 là năm đầu thực hiện chính sách nên việc cung ứng giống còn nhiều bất cập, một số hộ dân phải mua giống ở các tỉnh ngoài, vì vậy việc xác định nguồn gốc, chất lượng giống gặp khó khăn cho nên hiện nay Như Xuân còn hơn 100 ha cao su đã trồng năm 2011 chưa được hỗ trợ.
Về vốn để trồng cao su, một số hộ đã chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su nhưng thiếu vốn nên đã chuyển sang trồng keo, sắn, mía.
Làm việc với Uỷ ban nhân dân huyện và Uỷ ban nhân dân xã Cát Tân, Cát Vân đoàn đã đề nghị làm rõ một số vấn đề trong việc trồng và cấp kinh phí hỗ trợ trồng cao su năm 2011-2012, đồng thời tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của huyện, của xã, để tổng hợp báo cáo Ban Kinh tế và Ngân sách.
Theo kế hoạch đoàn công tác sẽ tiếp tục khảo sát tại một số huyện trong tỉnh.