Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ Tư do CHÁNH VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LÊ THỊ ÍCH trình bày
Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật đã quy định về mối quan hệ công tác giữa HĐND với UBND, UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, và Quy chế hoạt động của HĐND các cấp ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND, UBMTTQ trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp HĐND; xây dựng kế hoạch, tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn, các ý kiến, kiến nghị của cử tri; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND bầu hoặc phê chuẩn; miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu HĐND...
Để cụ thể hóa các quy định của pháp luật, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã soạn thảo “Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2016”, và đã được HĐND tỉnh thảo luận, thông qua. Quy chế đã tập hợp, hệ thống, cụ thể hóa các quy định của một số văn bản pháp luật liên quan và phù hợp với điều kiện thực tế của Thanh Hóa, thuận lợi cho việc thực hiện. Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh là văn bản pháp quy quan trọng, đối tượng điều chỉnh không chỉ bó hẹp trong nội bộ của HĐND tỉnh mà còn điều chỉnh một số hoạt động có liên quan của các cơ quan khác trong phạm vi toàn tỉnh; trong đó quy định chi tiết mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND và UBMTTQ tỉnh để giải quyết những công việc cụ thể của HĐND tỉnh có liên quan đến các cơ quan đó.
Cũng ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã ký Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Trong đó khẳng định rõ mối quan hệ giữa HĐND với UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận là mối quan hệ phối hợp; trong đó Thường trực HĐND tỉnh và Ban thường trực UBMTTQ tỉnh là đầu mối để thực hiện các mối quan hệ phối hợp trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, cộng đồng trách nhiệm, tạo điều kiện để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên, nhằm mục tiêu xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào việc quản lý nhà nước và thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước; củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, QPAN của tỉnh.
Các văn bản QPPL liên quan do Nhà nước ban hành và các quy chế của HĐND tỉnh nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để mỗi cơ quan chủ động, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh.
Thời gian qua, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành đã tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ nói chung và các quy định trong quy chế phối hợp, tạo ra những chuyển biến khá rõ nét trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, chuẩn bị nội dung kỳ họp, nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp của HĐND tỉnh.
Phối hợp chuẩn bị nội dung kỳ họp HĐND tỉnh
Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh đã quy định rõ nội dung chương trình các kỳ họp thường lệ. Theo đó, UBND tỉnh chủ động chuẩn bị báo cáo tình hình KT-XH, QPAN; kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri; quyết toán ngân sách; tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương; dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển; tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình hình phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thường trực HĐND tỉnh chủ động chuẩn bị báo cáo tình hình hoạt động của HĐND tỉnh; báo cáo kết quả giám sát. Các ban của HĐND tỉnh chuẩn bị báo cáo kết quả hoạt động giám sát; báo cáo thẩm tra các báo cáo và thẩm tra các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Ban thường trực UBMTTQ tỉnh chủ động chuẩn bị Thông báo của UBMTTQ tỉnh về việc Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh cũng quy định rõ kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh sẽ nghị quyết về: nhiệm vụ KT-XH, QPAN; phê chuẩn quyết toán ngân sách; dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh hằng năm; kế hoạch đầu tư phát triển; giá các loại đất hằng năm; chương trình giám sát hằng năm của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, ban hành các cơ chế chính sách và các nội dung khác theo yêu cầu của tình hình thực tế do UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh trình tại các kỳ họp thường lệ. Để cụ thể hơn, tại kỳ họp cuối mỗi năm, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh để triển khai thực hiện trong năm sau. Quy trình chuẩn bị chương trình xây dựng nghị quyết hằng năm của HĐND tỉnh được thực hiện như sau:
Chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp cuối năm, Thường trực HĐND tỉnh gửi công văn đề nghị UBND tỉnh dự kiến những nội dung sẽ trình HĐND ban hành nghị quyết trong năm sau. UBND tỉnh lập danh mục nội dung gửi Thường trực HĐND chậm nhất 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp các dự kiến, chuẩn bị dự thảo Chương trình xây dựng nghị quyết trình kỳ họp cuối năm để HĐND tỉnh xem xét, thông qua làm cơ sở triển khai thực hiện. Chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm của HĐND tỉnh phải tập trung cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Căn cứ vào chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh chủ động triển khai đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để chuẩn bị soạn thảo đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Các ban HĐND tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo chuẩn bị thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực ban. Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm cộng tác, phối hợp, cung cấp thông tin cần thiết để ban của HĐND tỉnh tiếp cận vấn đề ngay từ khâu chuẩn bị. Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh liên quan tham dự các cuộc họp của UBND tỉnh để xem xét, cho ý kiến vào các đề án, dự thảo nghị quyết do cơ quan soạn thảo trình.
Do phát huy tính chủ động trong công tác chuẩn bị nên khi họp liên tịch giữa Thường trực HĐND với UBND, UBMTTQ tỉnh và các cơ quan có liên quan để thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp thì các đề án, dự thảo nghị quyết cơ bản đã được các cơ quan chủ động chuẩn bị (trừ một số báo cáo định kỳ phải chờ đến niên độ mới tập hợp đủ số liệu). Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tính chủ động, tính kế hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.
Phối hợp trong hoạt động tiếp xúc cử tri
Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh đã dành 8 điều quy định rõ ràng, cụ thể về hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh, tạo thuận lợi để các tổ đại biểu và đại biểu HĐND chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện theo đúng Quy chế. Bên cạnh đó, để hoạt động TXCT sát với tình hình thực tế nội dung chương trình của mỗi kỳ họp, chậm nhất 30 ngày trước khai mạc kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch TXCT theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu phải kết hợp hài hòa, đa dạng các hình thức như: TXCT ở quy mô cấp huyện, cụm liên xã; ở xã, phường, thị trấn, thôn, bản, phố; ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc tại những nơi cử tri yêu cầu; tiếp xúc theo chuyên đề gắn với nội dung từng kỳ họp; kết hợp tiếp xúc cử tri với sự tham gia của đại biểu dân cử nhiều cấp. Khuyến khích và tạo điều kiện để đại biểu HĐND tỉnh TXCT độc lập, không nhất thiết phải theo tổ và cho phép mở rộng địa bàn TXCT, đại biểu ứng cử ở đơn vị bầu cử này có thể đăng ký tham gia TXCT với tổ đại biểu khác trong phạm vi toàn tỉnh. Nội dung thông tin khi tiếp xúc phải bổ ích, thiết thực đáp ứng nhu cầu của cử tri...
Trong kế hoạch cũng ghi rõ, UBND tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo tình hình KT-XH, QPAN và báo cáo tóm tắt về các đề án cần lấy ý kiến để đại biểu HĐND tỉnh làm tài liệu tiếp xúc cử tri. UBND tỉnh có trách nhiệm tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được thông báo tại kỳ họp, phân công, chỉ đạo các ngành giải quyết.
Việc tổng hợp ý kiến nghị của cử tri được Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh thực hiện, bảo đảm phản ánh đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của cư tri các vùng, miền trong tỉnh để thông báo tại các kỳ họp, trên cơ sở đó UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo giải quyết; tổng hợp kết quả giải quyết báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Đài phát thanh và truyền hình tỉnh thông báo rộng rãi trên sóng phát thanh, truyền hình về thời gian, địa điểm tiếp xúc của mỗi tổ để cử tri biết, tham dự. Các tổ đại biểu khi tiến hành tiếp xúc đều có lãnh đạo, chuyên viên văn phòng, phóng viên báo, đài tỉnh tham dự, theo dõi, đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Website của HĐND tỉnh. Văn phòng HĐND tỉnh thực hiện việc theo dõi, cập nhật kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn, định kỳ báo cáo để Thường trực HĐND nắm tình hình, có kế hoạch giám sát, đôn đốc thực hiện.
Phối hợp trong giám sát, chất vấn, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn
Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh ngay trong khâu xây dựng kế hoạch giám sát. Trên cơ sở đề nghị của các Ban của HĐND, ý kiến của đại biểu HĐND và ý kiến của ban Thường trực UBMTTQ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh dự kiến “Chương trình giám sát của HĐND” hàng năm trình HĐND thông qua để triển khai thực hiện. Và trên thực tế, khi tổ chức giám sát những vấn đề lớn, tầm ảnh hưởng rộng, Thường trực HĐND tỉnh đều mời Chủ tịch UBMTTQ tỉnh tham gia đoàn giám sát. Một số ban HĐND tỉnh cũng đã mời đại diện UBMTTQ tỉnh tham gia các hoạt động giám sát của Ban. Trên cơ sở ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND, ý kiến của các ban của HĐND tỉnh; ý kiến, kiến nghị của cử tri và của UBMTTQ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp những vấn đề bức xúc đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh (mỗi kỳ họp chất vấn 4 - 5 vị là thành viên UBND tỉnh, giám đốc sở, thủ trưởng ngành).
Thường trực HĐND tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh trong việc giám sát hoạt động của đại biểu. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, UBMTQ tỉnh đọc thông báo về việc MTTQ tham gia xây dựng chính quyền và ý kiến, kiến nghị của cử tri; phản ánh một cách cô đọng ý nguyện của nhân dân cũng như kết quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội gửi tới HĐND, UBND, đại biểu HĐND để tiếp thu, thực hiện và theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.
Đối với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, mặc dù trên nguyên lý là cơ quan chấp hành của HĐND, là đối tượng giám sát của Thường trực và các ban của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, nếu vận dụng quan hệ cứng nhắc mà không có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ giữa các bên thì hiệu quả sẽ không cao. Do đó Thường trực và các ban của HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp linh hoạt, hiệu quả với UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong hoạt động giám sát. Cụ thể là, tùy theo yêu cầu của tình hình thực tế, Thường trực, các ban của HĐND tỉnh mời một số giám đốc sở, thủ trưởng ngành có liên quan cũng như các chuyên gia am hiểu chuyên môn công tác tại các sở, ngành, Văn phòng UBND tỉnh tham gia một số cuộc giám sát; qua đó giúp đoàn giám sát phát hiện, kiến nghị nhiều vấn đề sát thực.
Thường trực HĐND tỉnh cũng đã phối hợp với UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị để thực hiện nghiêm chỉnh các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn. Kết quả, hầu hết các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn đã được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo thực hiện. Đơn cử như, sau khi HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện kế hoạch biên chế hành chính và sự nghiệp giáo dục - đào tạo trên phạm vị toàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2011. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định (số 3678/2011/QĐ-UBND ngày 8.11.2011), ban hành quy định điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã chấn chỉnh, lập lại trật tự, ngăn chặn hiệu quả hiện tượng tiêu cực trong điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính tại các trường học, được nhân dân hoan nghênh. Hoặc, sau khi HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị (số 20/CT-UBND ngày 27.6. 2012) về đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Qua theo dõi, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn đang tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ.
Phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp
Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh quy định rõ, trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ, nếu có những vấn đề phát sinh khi thực hiện chính sách, pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh thì UBND có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến. Thường trực HĐND có trách nhiệm xem xét, trả lời theo quy định; khi được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất, UBND triển khai thực hiện và báo cáo với HĐND tại kỳ họp gần nhất. Những vấn đề phát sinh có tính cấp bách, vượt quá thẩm quyền thì Thường trực HĐND triệu tập kỳ họp bất thường để HĐND xem xét, quyết định.
Thực hiện quy định trên, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp giải quyết nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn thuộc các lĩnh vực KT-XH, nhất là việc bổ sung vốn các chương trình, dự án; điều chỉnh một số nội dung của các cơ chế chính sách, bảo đảm đúng quy định, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình thực tế.