Ngày 17. 01. 2013, Ban chỉ đạo của tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức hội nghị toàn tỉnh để triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương; các vị đại biểu HĐND tỉnh; giám đốc các sở, thủ trưởng ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; đại diện Liên hiệp các Hội khoa học, Hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàm Rồng, Đoàn Luật sư, Hội luật gia; đại diện Thường trực HĐND, UBND, MTTQ các huyện, thị xã, thành phố.

luat_18_1_2013.jpg

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo đã nhấn mạnh việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng; cần phải được triển khai sâu rộng nhằm huy động trí tuệ của toàn dân để đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp, mặt khác có tác dụng phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng người dân và mỗi tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng, thi hành Hiến pháp. Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể cần tổ chức lấy ý kiến của nhân dân rộng rãi, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai, đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm; đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền các cấp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân; ý kiến góp ý của nhân dân phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần nâng cao chất lượng báo cáo của toàn tỉnh tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tiếp đó, đồng chí Đinh Tiên Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã phổ biến Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23. 11. 2012 của Quốc hội khóa XIII về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí Dương Khánh, Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban chỉ đạo báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phổ biến Chỉ thị số 13- CT/TU ngày 11. 01. 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Quyết định số 759-QĐ/TU ngày 14. 01. 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Trịnh Ngọc Giao, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phổ biến Kế hoạch số 08/KH-HĐND ngày 14. 01. 2013 của Thường trực HĐND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, giảm 1 chương, 23 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung, cách thức tổ chức thực hiện để việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đạt kết quả cao nhất. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị cần phải tập trung nghiên cứu kỹ, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của đơn vịmình một cách cụ thể, chặt chẽ, khoa học. Tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân phải linh hoạt, sáng tạo đúng theo quy định và phát huy rộng rãi sự sáng tạo, tâm huyết, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh để đóng góp tốt nhất vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy Đảng. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp, tuy nhiên mỗi ngành, mỗi đơn vị cần tổ chức lấy ý kiến chuyên sâu về những nội dung thuộc lĩnh vực hoạt động của ngành mình. Quá trình tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân phải đúng yêu cầu, hướng dẫn trong kế hoạch; phải phản ánh đầy đủ, toàn diện, chính xác, khách quan ý kiến của nhân dân. Đồng thời phải kịp thời đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phản ánh kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân. Ban chỉ đạo cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả./.

Lê thị Hương và Lưỡng Mỹ Quốc

Ảnh: Lê Như Tú


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục
 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.210.640
Trong năm: 1.361.419
Trong tháng: 132.789
Trong tuần: 26.632
Trong ngày: 5.147
Online: 162