(Phát biểu của đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khai mạc kỳ họp thứ 6 (chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XVI ).
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh,
Thưa toàn thể các đại biểu tham dự kỳ họp,
Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu Xuân, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh ta đang nỗ lực triển khai, thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2013, phấn đấu dành thắng lợi ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm mới. Hôm nay, HĐND tỉnh khóa XVI tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 6) để thảo luận và đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII và điểm b khoản 8 mục II Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi xin chào mừng các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu mời đã về dự kỳ họp. Chúc các đồng chí, các vị đại biểu và gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Chúc kỳ họp thành công tốt đẹp!
Kính thưa các vị đại biểu,
Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý có tầm quan trọng đặc biệt, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của quốc gia. Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời đến nay, nước ta đã có 4 bản Hiến pháp, đó là: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Các bản Hiến pháp đã góp phần quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước. Đối với Hiến pháp năm 1992, qua 20 năm thực hiện, đất nước ta đã dành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, để phù hợp với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển toàn diện, bền vững của đất nước trong thời kỳ mới thì việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình thực tế là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực của Nhà nước có được là xuất phát từ quyền lực của nhân dân trao cho mà có. Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý tạo nền tảng vững chắc, thiết kế một xã hội dân chủ, ổn định và phát triển. Vì thế, Hiến pháp phải được kết tinh đầy đủ trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục tổ chức lấy ý kiến sâu rộng, thực chất trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ cơ quan, tổ chức đến cá nhân công dân mọi người đều có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đại biểu HĐND là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Với mục đích, yêu cầu và ý nghĩa cao cả đó, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự kỳ họp hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào tất cả các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã công bố.
Ngoài việc thảo luận, đóng góp ý kiến trực tiếp tại kỳ họp, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh đóng góp ý kiến bằng văn bản, gửi thư ký kỳ họp hoặc gửi Văn phòng Đoàn đại biểu QH và HĐND tỉnh. Thư ký kỳ họp, Văn phòng Đoàn đại biểu QH và HĐND tỉnh có trách nhiệm tập hợp đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp của đại biểu để tổng hợp chung, báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo đúng kế hoạch.
Với tinh thần đó, thay mặt Chủ tọa kỳ họp, tôi xin tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ 6 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XVI.
Xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu!
(*) Đầu đề là của Ban biên tập.