"...Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo ở tỉnh ta còn những điểm chưa phù hợp, chưa có sự gắn kết. Quy hoạch một đường, đào tạo một nẻo. Sinh viên ra trường một số thầy chưa ra thầy, thợ không ra thợ, khó tìm việc làm. Hôm nay có đại biểu nói đến "Nồi cơm" giáo viên. Tôi xin lỗi, "Nồi cơm" của giáo viên cần nhưng "Bát cháo" của nhân dân cũng rất cần. Khi đi học phải vay tiền, ra trường không xin được việc làm thì "Bát cháo" cũng không có nữa". Đó là câu nói của đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại phiên chất vấn giữa hai kỳ của HĐND tỉnh Thanh Hóa, ngày 22. 5. 2013.

Từ chủ trương, chính sách

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định Phát triển nguồn nhân lực là một trong năm chương trình trọng tâm của tỉnh.

Trên cơ sở đó, năm 2010, Thanh Hóa đã xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực và Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề đến năm 2020 [điều chỉnh năm 2013]. Theo quy hoạch, đến năm 2020 Thanh Hóa có 6 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 8 trường cao đẳng nghề, 21 trường trung cấp nghề, 26 trung tâm dạy nghề, 93 cơ sở có đào tạo nghề. Thực tế, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có có 3 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp chuyên nghiệp, 5 trường cao đẳng nghề, 161 trường trung cấp nghề, 5 Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, 10 trung tâm dạy nghề và 53 cơ sở có đăng ký hoạt động dạy nghề. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đã xây dựng "Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục đến năm 2020"; ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề...

Đến việc đào tạo

Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2010 - 2012 số học sinh, sinh viên người Thanh Hóa học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc, ở nước ngoài; học cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 258.591 người. Trong đó, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp 83.873 người [đại học, cao đẳng chính qui 64.934 người]; cao đẳng và trung cấp nghề 32.750 người. Riêng số học sinh, sinh viên học tại các trường trong tỉnh là 81.879 người [khối chuyên nghiệp: 49.129 người; khối đào tạo nghề 32.750 người]. Cơ cấu ngành nghề đào tạo tập trung chủ yếu vào các ngành: y tế, kinh tế, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn...Qua số liệu nêu trên, cho thấy bình quân mỗi năm ước có trên 86 ngàn học viên, sinh viên học các hệ, bậc, loại hình đào tạo; trong đó riêng đại học, cao đẳng chính quy có trên 21 ngàn người ra trường.

Và giải quyết việc làm

Theo số liệu của Sở LĐTB&XH, trong 3 năm (2010 - 2012), toàn tỉnh bố trí việc làm mới cho lao động đã qua đào tạo là 171.970, bình quân hàng năm có trên 57 nghìn lao động được đào tạo. Số lượng lao động qua đào tạo tăng nhanh, từ 40% năm 2010 lên 46% năm 2012, trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 21% lên 32% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,48% năm 2010 xuống còn 3,9% năm 2012; tỷ lệ sử dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo tăng từ 75% lên 82%; số lao động được giải quyết việc làm tăng từ 55.250 lao động năm 2010 lên 59.150 lao động năm 2012.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không đúng ngành nghề đào tạo là 24.956 người. Trong đó, thạc sỹ 45 người, đại học 5.674 người, cao đẳng 6.845 người, trung cấp chuyên nghiệp 6.003 người; cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 6.389 người. Tập trung chủ yếu vào các ngành sư phạm (3.762 người), công nghệ thông tin (3.650 người), quản trị kinh doanh (3.419 người), khoa học xã hội và nhân văn (1.500 người).

Những vấn đề cần suy ngẫm

Mặc dù tỉnh đã có Đề án phát triển nguồn nhân lực; Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, song chưa sát thực tiễn và thiếu sự gắn kết. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2015 và 2020 còn nhiều hạn chế. Việc theo dõi sinh viên tốt nghiệp hàng năm của Sở GD & ĐT mới chỉ theo dõi được sinh viên tốt nghiệp tại các trường trong tỉnh, còn sinh viên học ngoài tỉnh, sinh trúng tuyển và kết quả đào tạo, thuộc các hệ đào tạo từ xa, liên thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và trung cấp nghề học ở ngoài tỉnh chưa nắm được, do đó ảnh hưởng đến công tác dự báo và giải quyết việc làm.

Một số ngành, nghề nhiều sinh viên ra trường chưa bố trí được việc làm nhưng hàng năm vẫn tuyển sinh với số lượng lớn, cụ thể như: Ngành sư phạm, số sinh viên tốt nghiệp ra trường từ năm 2010 đến nay chưa có việc làm là 3.762 người, trong khi xu hướng số lớp, sốhọc sinh ở tất cả các bậc học đang tiếp tục giảm mạnh, nhưng 3 năm qua Trường Đại học Hồng Đức vẫn tuyển 2.853 sinh viên sư phạm. Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyển sinh 879 sinh viên khoa sư phạm âm nhạc và mỹ thuật. Trường Đại học Công nghiệp TP HCM (cơ sở Thanh Hóa), đã liên kết đào tạo cho 555 sinh viên sư phạm mầm non và tiểu học. Khối ngành kinh tế chưa bố trí được việc làm 3.419 người, nhưng trường Đại học Hồng Đức trong 3 năm qua vẫn tuyển sinh 3.117 sinh viên. Khoa học xã hội nhân văn đang dư 1.500 người nhưng trong 3 năm trường Đại học Hồng Đức vẫn tuyển sinh 1.015 sinh viên. Một số lĩnh vực như Khoa học xã hội nhân văn, công nghệ kỹ thuật điện, số sinh viên trình độ cao đẳng chưa có việc làm trên 4 nghìn người, nhưng những năm qua Trường Đại học Hồng Đức vẫn mở mới trình độ đại học thuộc các chuyên ngành này.

Tổ chức liên kết đào tạo tuy có chấn chỉnh nhưng vẫn còn tràn lan; từ năm 2010 - 2012 có tới 108 lớp, 8.098 học viên; trong đó: sau đại học 354, đại học 5.831, cao đẳng 374, trung cấp 1.668 học viên. Đào tạo chính quy 1.925 học viên; liên thông, vừa làm vừa học 4.015 học viên; không chính quy 850, từ xa 300 học viên.

Tuyển sinh hệ không chính qui với số lượng lớn, Đại học Hồng Đức hiện nay có 15.000 sinh viên thì có tới 6.000 sinh viên hệ không chính qui. Đại học công nghiệp TP HCM (cơ sở Thanh Hóa) hơn 1.000 sinh viên, Trung tâm GDTX của tỉnh 1.977 học viên, Trường Cao đẳng VICET 640 học viên hệ không chính qui.

Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa có thương hiệu; chất lượng đào tạo chưa cao, sinh viên ra trường khó tìm kiếm việc làm.

Đâu là giải pháp

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ của HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 22. 5. 2013 về chủ đề đào tạo nguồn nhân lực và giải quyếtviệc làm, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: "...Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo ở tỉnh ta còn những điểm chưa phù hợp, chưa có sự gắn kết. Quy hoạch một đường, đào tạo một nẻo. Sinh viên ra trường một số thầy chưa ra thầy, thợ không ra thợ, khó tìm việc làm. Hôm nay có đại biểu nói đến "Nồi cơm" giáo viên. Tôi xin lỗi, "Nồi cơm" của giáo viên cần nhưng "Bát cháo" của nhân dân cũng rất cần. Khi đi học phải vay tiền, ra trường không xin được việc làm thì "Bát cháo" cũng không có nữa".

Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể là:

Cần rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống các trường đào tạo; dạy nghề và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020 để điều chỉnh, bổ sung cho sát thực tế, bảo đảm có sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ chính trị và Kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành trung ương vàcác sở, ngành rà soát việc giao chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở ngành có liên quan rà soát việc giao chỉ tiêu đào tạo cao đẳng, trung cấp nghềtrên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao chỉ tiêu hàng năm cho các cơ sở đào tạo sát với nhu cầu của xã hội về việc làm; đối với các cơ sở đào tạo không thuộc thẩm quyển quản lý của tỉnh thì kiến nghị với bộ, ngành trung ương giao chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo công khai minh bạch về chỉ tiêu tuyển sinh, năng lực đào tạo và tài chính của đơn vị.

Chỉ đạo, định hướng để các cơ sở đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý chủ động chuyển đổi, cấu trúc lại ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn; nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội; khuyến khích mở các khoa mới để đào tạo ngành nghề theo quy hoạch và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Kiên quyết chấn chỉnh việc tuyển sinh, đào tạo ồ ạt các chuyên ngành chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhà trường mà không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khắc phục có hiệu quả việc liên kết đào tạo tràn lan và xử lý nghiêm những vi phạm trong liên kết đào tạo. Đối với cơ sở đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh vi phạm các quy định về tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo, tùy theo tính chất, mức độ, có thể quyết định tạm đình chỉ hoạt động; cơ sở đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành trung ương thì phải kiến nghị xử lý nghiêm túc.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê số học viên, sinh viên sau tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; cao đẳng, trung cấp nghề chưa có việc làm; kiến nghị, đề xuất giải pháp giúp đỡ các đối tượng này.

Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến việc làm; phát huy hiệu quả Sàn giao dịch việc làm của tỉnh để tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động. Tăng cường công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đấu mối với các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh thành phía Nam để tư vấn hướng nghiệp cho lao động tỉnh ta đến làm việc; nghiên cứu thị trường lao động, nhất là thị trường lao động nước ngoài có thu nhập cao để định hướng đào tạo và hướng nghiệp cho lao động trong tỉnh tiếp cận./.

Lưỡng Mỹ Quốc

ảnh bìa: Baothanhhoa.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
370 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 3.335.361
Trong năm: 986.842
Trong tháng: 92.559
Trong tuần: 24.003
Trong ngày: 716
Online: 4