Ngày 17 tháng 6 năm 2013, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị Triển khai Nghị quyết Số 35/2012/NQ-QH 13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Tham dự hội nghị có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND các huyện, thị xã, thành phố. Cùng dự có đại diện lãnh đạo: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh,Văn phòng UBND tỉnh và một số cơ quan có liên quan. Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Hội
nghị đã triển khai Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội về
việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do
Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Số 561/2013/UBTVQH 13, ngày
16/01/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn thi hành một số điều
của Nghị quyết số 35/2012/QH 13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội; Công văn số
159/CV-HĐND ngày 14/6/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Về Hướng dẫn
việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do
HĐND bầu.
Theo quy định, HĐND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND,
Phó chủ tịch HĐND, Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng các Ban của HĐND; Chủ tịch
UBND, Phó chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND. Đối với xã, phường, thị trấn sẽ
lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND;
Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND. Về thời điểm, HĐND các cấp tổ
chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ; riêng
đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại
kỳ họp đầu năm 2013.
Việc lấy
phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động giám sát của HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín
nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất
lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem
xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Vì vậy, yêu cầu quy trình lấy phiếu tín
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công
khai, khách quan, đảm bảo đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu
tín nhiệm; đề cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND; đảm bảo tiêu chuẩn
của người giữ chức vụ do HĐND bầu, đảm bảo sự ổn định và hiệu quả hoạt động của
bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Tại hội
nghị, các đại biểu thống nhất cao với các nghị quyết, văn bản được triển khai
nhưng cũng nêu lên những vướng mắc về thời gian, quy trình lấy phiếu tín nhiệm
và bỏ phiếu tín nhiệm; những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai lấy
phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như những người thuộc diện lấy phiếu tín
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã chuyển công tác, hoặc mới nhận nhiệm vụ…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Mai
Văn Ninh, Ủy Viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND
tỉnh đã giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn, khẳng định việc lấy
phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên, hàng năm, việc tổ chức phải thận
trọng, đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của QH, Công văn của
HĐND tỉnh Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người
giữ chức vụ do HĐND bầu. Để triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng chí đề nghị
trên cơ sở nghị quyết và các văn bản đã được triển khai các đại biểu tiếp tục
nghiên cứu, nắm chắc các quy định được hướng dẫn để chỉ đạo việc lấy phiếu tín
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đúng quy định; các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban
MTTQ, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ
chức thực hiện tốt một số nội dung như: Tuyên truyền phổ biến trên các phương
tiện thông tin, đại chúng, phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân
dân về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, đối tượng, nguyên tắc, quy trình lấy phiếu
tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm phải được tiến
hành công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, nhằm nâng cao hiệu
lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm,
bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện,
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đây cũng là dịp thanh lọc những cán
bộ thoái hóa về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực yếu kém. Đồng chí Chủ
tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị HĐND các cấp phải chỉ
đạo sâu sát và phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các tổ chức, đoàn thể. Công tác chỉ đạo đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, chu
đáo, thận trọng, tránh cả hai khuynh hướng: nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý
hoặc ngược lại, lợi dụng việc này để gây mất uy tín cá nhân, làm sai lệch bản
chất của việc lấy phiếu tín nhiệm. Trong quá trình
thực hiện nếu có gì vướng mắc cần phải thông tin ngay với Thường trực HĐND tỉnh
để được hướng dẫn giải quyết./.
Lê Như Tú