Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

          Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vất chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.

          Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND, giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.

          Những năm qua HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, thể hiện được vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, ban hành nhiều chính sách quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa phương, thực hiện tốt chức năng giám sát, tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kịp thời kiến nghị với UBND, các ngành liên quan giải quyết các ý kiến nghị của cử tri. Từ đó củng cố được niệm tin của cử tri với HĐND các cấp.

          I/ Thực trạng về chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

          1. Sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND.

          Theo xu thế chung hiện nay sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND là có nhiều tiến bộ. Song HĐND do nghiên cứu và có chung một quan niệm là cấp ủy đã bàn bạc nên khi đưa ra HĐND thường thống nhất để thuận và bàn bạc thảo luận qua loa, vì ai cũng quan niệm là cấp ủy đã thống nhất thì mình không cần phải thảo luận nhiều, rất ít ý kiến, thông thường là biểu quyết thông qua.

          2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các ban và nhất là vai trò của đại biểu HĐND các cấp.

          Phần đa số đại biểu là cơ cấu và kiêm nhiệm nên việc dành thời gian hoạt động đại biểu gặp không ít khó khăn vì công việc chuyên môn quá bận.

          3. Phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND, MTTQ cùng cấp.

Trên thực tế không phải công tác phối hợp lúc nào cũng thuận lợi, có lúc có việc do không chủ động do đó thường thì sẽ gặp nhiều sự thay đổi.

          4. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND.

          - Trong việc quyết định các vấn đề trọng đại của địa phương, có lúc có việc chưa thảo luận bàn bạc kỹ lưỡng nhưng do yêu cầu và tính cấp bách của nội dung công việc đó nên HĐND vẫn biểu quyết thông qua.

          - Trong công tác giám sát nhất là nội dung chất vấn tại kỳ họp thường không được các đại biểu theo đến cùng nên tạo ra tâm ly thờ ơ, ngại va chạm, không giám tranh luận đến cung                  

          5. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND.

Thông thường cứ một nhiệm kỳ tập huấn cho đại biểu một lần, do đó đại biểu phải tự nghiên cứu là chính nhưng trên thực tế không có nhiều đại biểu dành thời gian cho nhiệm vụ này.

          6. Xắp xếp bố trí đội ngũ tham mưu giúp việc ở HĐND các cấp.

          Ở cấp tỉnh thì có bộ máy giúp việc, ở cấp huyện thì chỉ có một chuyên viên, thông thường thì bố trí người chuẩn bị về hưu nên không thể đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn trước sự đổi mới của nhiệm vụ hiện nay. Ở cấp xã thì do đồng chí phó chủ tịch HĐND đảm nhiệm hết mọi công việc.

          Từ sự tác động của các yếu tố nêu tóm tắt trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp là vấn đề cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng.

          II/ Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp trong thời gian tới.

          Trong khuôn khổ thời gian cho phép chúng tôi xin tập trung làm rõ giải pháp thứ năm về đại biểu.

          * Cần nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của HĐND trong bộ máy chính quyền địa phương:

          HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước và là cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương. HĐND đã phát huy vai trò của mình trong việc quyết định những chủ trương biện pháp quan trọng, triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần thúc đảy kinh tế-xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vất, chất tinh thần của nhân dân.

          * Về các điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND các cấp:

          Có thể khẳng định rằng để có kết quả hoạt động, để có kết quả hoạt động của HĐND từ trước tới nay thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân trực tiếp là đã bảo đảm cơ bản được các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động của HĐND. Điều đó có nghĩa đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đến chất lượng, hiệu quả và quá trình hoạt động của HĐND. Điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND bao gồm nhiều yếu tố: Con người (Chất lượng đại biểu), kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Thực tế cho thấy các điều kiện bảo đảm này từ huyện đến xã cho đến nay đã có nhiều bước tiến bộ, nhưng do điều kiện mỗi địa phương khác nhau nên cách vận dụng và thực hiện mỗi nơi mỗi khác.

          Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thì Nghị quyết HĐND phải kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có tính khả thi cao trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vất chất, tinh thần cho nhân dân. Hoạt động giám sát của HĐND tập trung vào những vấn đề bức xúc của người dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đảm bảo kịp thời…

          Phải đảm bảo được những nội dung giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp:

          1. Sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND.

 Xắp xếp bố trí cán bộ trong Thường trực HĐND tham gia cấp ủy là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND và nâng cao vị thế của HĐND, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

          2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các ban và nhất là vai trò của đại biểu HĐND các cấp.

          Thường trực HĐND điều hòa, phối hợp, nhất là trong các hoạt động thẩm tra, giám sát. Các Ban nêu cao trách nhiệm của mình trong công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, chủ động xem xét kỹ nội dung, đưa ra các vấn đề còn vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật để giúp cho đại biểu có thêm thông tin, định hướng trong việc thảo luận và quyết định. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực và các Ban thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai việc thực hiện nghị quyết, kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Các đại biểu HĐND tăng cường theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND, việc trả lời, giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri, tiếp xúc cử tri theo quy định, tham gia đầy đủ các kỳ họp, tích cực tham gia thảo luận, chất vấn tại kỳ họp.

          3. Phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND, MTTQ cùng cấp và các cơ quan liên quan trong việc thống nhất dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri, tổ chức kỳ họp, chất vấn tại kỳ họp, giám sát, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, giải quyết những kiến nghị sau giám sát.

          4. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND.

          Xác định đúng vấn đề cần quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết của HĐND, những thông tin cho đại biểu phải kịp thời, chính xác, tài liệu đầy đủ để đại biểu nghiên cứu trước khi thảo luận và biểu quyết. Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, định hướng những vấn đề cần tập trung thảo luận kỹ, tạo môi trường cho đại biểu phát huy tinh thần, trách nhiệm tham gia thảo luận thẳng thắn, dành thời gian thỏa đáng cho thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn. Trong hoạt động giám sát cần tập trung vào những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. Sau giám sát Thường trực HĐND, các Ban HĐND thường xuyên theo dõi, đôn đốc UBND, các cơ quan liên quan thực hiện kiến nghị sau giám sát, tránh tình trạng các kiến nghị sau giám sát không được thực hiện. Những kiến nghị chậm giải quyết Thường trực HĐND có văn bản nhắc nhở, đôn đốc tiếp tục giải quyết.

          5. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND, cơ cấu đại biểu.

          Hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hoạt động của các đại biểu HĐND. Từ việc cơ cấu đại biểu cho đến vấn đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu phải đặt lên hàng đầu, đây là nội dung cơ bản nhất để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

          + Đại biểu HĐND các cấp vừa phải đảm bảo cơ cấu hợp lý về các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, các chức sắc tôn giáo, các nhân sĩ trí thức nhưng không nên nặng về cơ cấu mà phải coi trọng chất lượng. Tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của đại biểu, dũng cảm, trung thực thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, những hành vi tham nhũng, hách dịch, cửa quyền của người có chức có quyền trong bộ máy chính quyền, nhằm làm cho bộ máy trong sạch, hoạt động vì nhân dân. Theo quy định của pháp luạt thì đại biểu HĐND có những tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển địa phương; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương; liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND.

          + Một trong những vấn đề làm ảnh hưởng đến vai trò của HĐND trong thực hiện nhiệm vụ, đó là vấn đề cơ cấu nhân sự là việc bố trí các đại biểu HĐND đồng thời là thành viên UBND và những người phụ trách chuyên môn UBND.

          Xuất phát từ việc phân định thực hiện các chức năng nhiệm vụ của HĐND và UBND là HĐND thực hiện chức năng giám sát toàn bộ hoạt động của UBND tức là hoạt động của HĐND đảm bảo để UBND thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và nghị quyết HĐND. Vì vậy khi các thành viên UBND và những người phụ trách các cơ quan chuyên môn thuộc UBND là đại biểu HĐND sẽ lẫn lộn giữa chức năng giám sát và chức năng quản lý điều hành.

          6. Phải xắp xếp bố trí đội ngũ tham mưu giúp việc ở HĐND các cấp (riêng cấp huyện được bố trí một chuyên viên giúp việc cho thường trực và các ban, cấp xã không có các ban cũng không có cán bộ giúp việc mà do đồng chí Phó Chủ tịch HĐND đảm nhiệm) đảm bảo có chất lượng, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn giúp việc.

          III/ Một số đề xuất kiến nghị.

          1. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với hoạt động của HĐND, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ có năng lực làm công tác chuyên trách trong Thường trực HĐND.

          2. Sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

          3. Tăng đại biểu chuyên trách, ở HĐND huyện cần bố trí các ban có phó trưởng ban chuyên trách. Tăng đại biểu công tác trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể, Chủ tịch, hoặc Phó Chủ tịch HĐND các cấp.

          (Ví dụ: HĐND tỉnh nên cơ cấu đại biểu là Chủ tịch, hoặc Phó Chủ tịch HĐND huyện và các cơ quan Đảng, MTTQ các đoàn thể).

          4. Ban hành luật giám sát của HĐND. Quy định chế tài để thực hiện sau kết luận giám sát.

          5. Cần quy định ở Thường trực HĐND xã có một cán bộ văn phòng giúp việc cho Thường trực./.   

 

THƯỜNG TRỰC HĐND HUYỆN NGỌC LẶC​


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.179.372
Trong năm: 1.347.572
Trong tháng: 142.733
Trong tuần: 30.761
Trong ngày: 983
Online: 94