Theo Kế hoạch số 32/HĐND – KTNS ngày 10/02/2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách về khảo sát tình hình hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) từ năm 2011 – 2015, ngày 18/8/2015 Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp và một số dự án phát triển KH&CN trên địa bàn thành phố. Đồng chí Đỗ Thanh, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn; tham gia đoàn khảo sát có Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu khoa
học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp (đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp
và PTNT Thanh Hóa), trong 10 năm gần đây Trung tâm đã thực hiện 10 đề tài, dự
án khoa học cấp tỉnh, bộ (trong đó có 03 đề tài cấp tỉnh chưa nghiệm thu –
chiếm 30%). Các đề tài, dự án được nghiệm thu hầu hết được ứng dụng trong sản xuất
giống tại Trung tâm và chuyển giao tiến bộ về giống cho bà con nông dân trong
tỉnh, nhất là một số huyện miền núi. Hiện tại Trung tâm đang sản xuất các giống
lúa lai F1, lúa thuần KC90, Q5, KD18... với sản lượng 200-250 tấn lúa thuần
giống, 25-30 tấn lúa lai giống chất lượng tốt phục vụ cho nông dân trên địa bàn
tỉnh.
Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ KH&CN
cấp tỉnh chủ yếu tập trung vào công tác chọn tạo các giống lúa mới có năng
suất, chất lượng cao; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phòng trừ
sâu, bệnh nâng cao khả năng chống chịu cho cây trồng trong điều kiện biến đổi
khí hậu. Một số đề tài được Hội đồng KH&CN cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu
với kết quả đạt “khá”, như: Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn một số tổ hợp lúa lai
mới có năng suất cao, chất lượng khá bổ sung vào cơ cấu cây trong của tỉnh
Thanh Hóa” đã tuyển chọn được một số giống lúa lai mới TH3-3, TH3-4, VL20,
Syn6,... ; Đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật sản xuất tổ hợp lúa lai
D ưu 527 tại Thanh Hóa” đã đưa ra quy trình kỹ thuật sản xuất hạt lai D ưu 527
trong vụ xuân; Dự án “Khảo nghiệm trình diễn các giống lúa, ngô chịu hạn cho
các huyện miền núi”; Dự án “mô hình trình diễn thâm canh lúa thuần chất lượng
tại xã Hợp Thắng huyện Triệu Sơn”; đề tài “Ứng dụng phương pháp lai truyền
thống chọn tạo một số tổ hợp lai năng suất cao chất lượng tốt phù hợp với Thanh
Hóa” đã chọn tạo được một số tổ hợp lúa lai Thanh ưu 23, Thanh ưu 12, Thanh ưu
8”; Đề tài “ Đánh giá tình hình nhiễm bệnh bạc lá của một số giống lúa chủ lực
và ứng dụng công nghệ chuyển gen kháng bệnh bạc lá vào một số giống lúa chất
lượng cao tại Thanh Hóa” đã ứng dụng thành công việc chuyển gen kháng bệnh bạc
lá vào giống lúa thuần chất lượng BT7, dòng bố RC10 của tổ hợp lúa lai 2 dòng
Thanh ưu 3 .... Ngoài ra, dự án “sản xuất thử nghiệm giống lúa lai 2 dòng Thanh
ưu 4 tại Thanh Hóa” là dự án cấp Bộ cũng đã được nghiệm thu và xếp loại “khá”.
Các giống lúa Thanh ưu 3, Thanh ưu 4,
Thuần Việt 1, Thuần Việt 2, Thuần Việt 7 là sản phẩm của KH&CN thực hiện từ
đề tài của Trung tâm, các loại giống lúa mới này cho năng suất cao, chất lượng
tốt, chống chịu được một số loại sâu, bệnh, phát triển và sinh trưởng phù hợp
với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh được bà con nông dân đánh giá cao và
đã được bổ sung vào cơ cấu sản xuất của tỉnh góp phần nâng cao giá trị sản xuất
nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh.
Mặc dù, cơ sở vật chất trụ sở làm việc của
Trung tâm đã được quan tâm đầu tư nhưng việc đầu tư trang thiết bị để phục vụ
cho công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật còn thiếu thốn do đó hoạt động khoa
học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp chủ yếu tập trung nghiên cứu về giống
lúa, chưa nghiên cứu được nhiều về các loại giống cây trồng nông nghiệp khác.
Ngoài ra, đoàn công tác của Ban Kinh tế và
Ngân sách đã khảo sát cơ sở sản xuất rượi làng Quảng Xá, đây là cơ sở sản xuất
rượi truyền thống được đánh giá có chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Tuy nhiên,
quy mô sản xuất còn nhỏ, sản xuất còn mang tính truyền thống và chưa có thương
hiệu trên thị trường (hiện nay nhà đầu tư đang làm thủ tục đăng ký nhãn mác
thương hiệu) ....
Kết luận buổi làm việc với Trung tâm
nghiên cứu khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp, đồng chí Đỗ Thanh –
Phó trưởng ban Kinh tế và Ngân sách ghi nhận sự cố gắng trong hoạt động
KH&CN của Trung tâm, mặc dù cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nơi làm việc đã
được đầu tư tương đối đảm bảo, tuy nhiên về trang thiết bị nghiên cứu vẫn còn
thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ, đề tài nghiên cứu ứng dụng chủ yếu là
giống lúa còn giống các loại cây trồng nông nghiệp khác chưa có. Đồng chí đề
nghị Trung tâm báo cáo rõ hơn về hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt
động KH&CN, tác động kết quả đề tài, dự án khoa học trong phát triển nông
nghiệp, khả năng đáp ứng nhu cầu về giống lúa của tỉnh, ..... Những đề xuất,
kiến nghị của Trung tâm đồng chí tiếp thu và sẽ báo cáo HĐND tại kỳ họp thứ 14,
HĐND khóa XVI.
Nguyễn Thị Huệ