Thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2017, ngày 04 tháng 4 năm 2017, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại huyện Như Xuân về việc quy định danh mục địa bàn (thôn, bản) và khoảng cách học sinh không thể đến trường và trở về trong ngày trên địa bàn huyện để thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; Kế hoạch sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề của huyện đến năm 2020; Kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2015 đến nay. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Trong chương trình làm việc, Đoàn công
tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã đến thăm, tìm hiểu tình hình hoạt
động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề huyện; thăm
Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Bình huyện Như Xuân.
Theo
báo cáo của UBND huyện Như Xuân, thực hiện Nghị định 116/NĐ-CP ngày 18/7/2016
của Chính phủ, năm học 2016 - 2017 trên địa bàn huyện có 85 thôn, bản có khoảng cách, địa bàn vùng đặc
biệt khó khăn học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày, với 1.303
học sinh được hỗ trợ gạo. Toàn huyện có 17 trường với 477 học sinh được hỗ trợ
tiền ăn và tiền nhà ở. Huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với
UBND các xã, thị trấn, các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc việc chi trả
chế độ đúng đối tượng, theo quy định.
Về hoạt động của Trung tâm dạy nghề huyện, hàng năm tuyển
sinh và mở liên kết đào tạo lớp trung cấp nghề như lớp điện tử công nghiệp và
lớp điện lạnh; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên 18
xã, thị trấn; Liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề gắn với
giải quyết việc làm cho lao động như nghề May công nghiệp, Mộc dân dụng, Sửa
chữa cơ khí, Hàn... thu hút hàng 100 lao động tham gia học nghề và tạo việc làm
cho người lao động. Hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, năm
học 2016 - 2017 có 7 lớp học văn hóa với 145 học viên tham gia; liên kết đào
tạo 4 lớp trung cấp với 81 học viên tham gia học các lớp như Kế toán, quản trị
kinh doanh, nấu ăn, công nghệ thông tin.
Thực
hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2015 đến nay, huyện
Như Xuân đã mở được 12 lớp nghề như (nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò,
nghề may công nghiệp, hàn điện, điện dân dụng...), giải quyết cho lao
động nông thôn có việc làm sau học nghề là 328 người, với tổng kinh phí thực
hiện 920 triệu đồng.
Tại
buổi làm việc, huyện Như Xuân kiến nghị việc thực hiện chính sách theo Nghị
định số 116/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn đối với trường có học sinh trọ
tại trường, việc xác định địa bàn thôn, bản cần quy định cụ thể khoảng cách
được xác định; Về kế hoạch sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên và trung
tâm dạy nghề huyện đề nghị tỉnh sớm có hướng dẫn xây dựng, phê duyệt Đề án vị
trí việc làm và giao biên chế cho phù hợp với mô hình hoạt động của trung tâm;
hỗ trợ kinh phí xây dựng thêm các phòng chức năng như phòng thư viện, phòng
thực hành bộ môn, phòng tin học...
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của huyện Như Xuân trong
thời gian qua. Đồng thời đề nghị UBND huyện trên cơ
sở các văn bản của Trung ương và của tỉnh, rà soát chính xác các thôn, bản và
đối tượng học sinh được hưởng chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của
Chính phủ phải chính xác, đảm bảo đúng đối tượng, công khai minh bạch, tạo điều
kiện thuận lợi cho học sinh sinh sống, học tập tại vùng có điều kiện khó khăn
được học tập tốt hơn. Trong công tác đào tạo nghề, huyện cần xác định nghề
trọng điểm, thống kê số lượng lớp học, số lao động tìm được việc làm sau khi
học nghề...Về những kiến nghị, đề xuất của huyện Như Xuân, Ban Văn hóa-
Xã hội HĐND tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo HĐND tỉnh.
Lê Thu Hà