Thực hiện kế hoạch số 98/HĐND-KTNS ngày 28/02/2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về giám sát chuyên đề “Tình hình nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/12/2016”; ngày 07/4/2017, Ban Kinh tế - Ngân sách làm việc với UBND thành phố và Chi cục Thuế thành phố. Đồng chí Lại Thế Nguyên - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham gia làm việc có Văn phòng HĐND tỉnh, Sở Tài chính và Cục Thuế tỉnh.
Chiều ngày 07/4/2017, Ban
Kinh tế - Ngân sách làm việc với UBND thành phố và Chi cục Thuế thành phố. Theo
báo cáo của UBND thành phố và Chi cục Thuế thành phố, đến 31/12/2016 trên địa
bàn thành phố nợ tiền sử dụng đất là 939.572
triệu đồng (nợ quá hạn là 251.884 triệu đồng - chiếm 26,8%; nợ đang chờ xử lý
là 646.519 triệu đồng – chiếm 68,8%). Trong đó: Nợ quá hạn của các dự án đấu
giá quyền sử dụng đất là 169.383 triệu đồng (chiếm 67,2%); nợ quá hạn của các dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư là 66.137 triệu
đồng (chiếm 26,3%); nợ quá hạn của các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất là 16.365 triệu đồng (chiếm
6,5%).
Nợ thuế trên địa bàn thành
phố lũy kế đến 31/12/2016 là 221.211 triệu đồng; nợ chủ yếu tập chung ở khối
doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 210.570 triệu đồng (chiếm 95,2%) và ở lĩnh vực
xây dựng là 69.281 triệu đồng (chiếm 31,3%); lĩnh vực chế biến, chế tạo 60.394
triệu đồng (chiếm 27,3%).
Nguyên nhân của nợ thuế
nêu trên, theo báo cáo của thành phố là do ý thức chấp hành nộp thuế của nhiều
tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc; có nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh
còn hạn chế về năng lực tài chính. Nợ đọng tiền sử dụng đất trên địa bàn thành
phố chủ yếu do các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất, được giao
đất thực hiện dự án chưa nghiêm túc thực hiện nộp tiền sử dụng đất; một số mặt
bằng quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất chưa đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh
(do thiếu vốn); một số doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng đất và cũng là
đơn vị thi công hạ tầng nhưng tỉnh và thành phố chưa thanh toán tiền xây lắp
nên chưa nộp tiền sử dụng đất; một số chủ đầu tư không chịu chuyển tiền để thực
hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án ... Mặt khác, theo báo cáo UBND
thành phố và Chi cục Thuế thành phố cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để thu
tiền nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất.
Tại buổi làm việc, sau
khi nghe báo cáo, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách và các ngành mời tham dự
đã phân tích, đánh giá tình hình nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế trên địa bàn thành
phố; đồng thời đề nghị UBND thành phố có các giải pháp tích cực hơn, mạnh mẽ
hơn trong việc thu thuế, thu nợ tiền sử dụng đất của thành phố.
Kết luận buổi làm việc,
đồng chí Lại Thế Nguyên - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức
Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu rõ thành phố Thanh Hóa là
trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh vì vậy nguồn thu của thành phố
đóng vai trò quan trọng, có tác động lớn đến nguồn thu của tỉnh; đồng chí ghi
nhận sự cố gắng của UBND thành phố và Chi cục Thuế thành phố trong thời gian
qua đối với việc thu và nuôi dưỡng các nguồn thu cho ngân sách thành phố, ngân
sách tỉnh và đánh giá cao tình hình kinh tế - xã hội của thành phố có nhiều
thay đổi, liên tục phát triển, xứng đáng là đầu tàu của tỉnh. Đồng thời, đồng
chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong đó số nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất
của thành phố còn nhiều, số nợ năm sau cao hơn năm trước; giải pháp thực hiện
thu nợ thuế, nợ tiền đất mà thành phố đã thực hiện vẫn chưa thực sự quyết liệt,
chưa mạnh mẽ. Đồng chí đã nêu 06 giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề nợ
tiền sử dụng đất, nợ tiền thuế và đề nghị UBND thành phố thực hiện trong thời
gian tới.
Một số kiến nghị của UBND
thành phố, Chi cục Thuế thành phố, Ban Kinh tế - Ngân sách tiếp thu và sẽ báo
cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII.
Nguyễn Thị Huệ