Thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2017, ngày 08 tháng 4 năm 2017, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân để nghe báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát về tình hình quản lý và sử dụng đất đai.
Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Pháp chế HĐND huyện huyện Như Thanh.
Theo báo cáo
của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân, hiện nay tổng số diện tích đất Ban quản
lý đang sử dụng là 4.689,3 ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 3.974,5 ha, đất
rừng sản xuất là 712,4 ha và đất phi nông nghiệp là 1,9 ha. Toàn bộ diện tích
đất lâm nghiệp được đơn vị giao khoán đến 433 hộ là cán bộ, công nhân viên, các
hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên địa bàn theo Nghị định số 01/CP ngày 4
tháng 01 năm 1995 và Nghị định số 135/NĐ- CP ngày 8 tháng 11 năm 2005 của Chính
Phủ, góp phần giải quyết việc làm, nâng
cao thu nhập cho nhân dân trong vùng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động
lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lao động, dân cư; phát huy vai
trò rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Ban quản lý đã
thực hiện rà soát, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng
và tổ chức quản lý, sử dụng đất đúng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê
duyệt. Thực hiện việc cắm mốc ranh giới đất giữa Ban quản lý với đất đai do
chính quyền địa phương quản lý, vì vậy tình trạng chồng chéo, tranh chấp, lấn
chiếm không còn xảy ra.
Sau khi nghe
báo cáo của Ban quản lý rừng, ý kiến thảo luận của các thành viên Ban pháp chế
HĐND tỉnh, các ngành có liên quan. Đồng chí Trần Trưởng ban pháp chế HĐND tỉnh
đã ghi nhận những kết quả, kiến nghị đề xuất đồng thời chỉ rõ những hạn chế,
khuyết điểm và yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân phải thể hiện tốt vai trò vừa là người quản lý
đồng thời là người hướng dẫn, chỉ đạo các hộ nhận khoán sử dụng đất rừng có
hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế góp phần phát triển kinh tế - xã hội của
huyện. Từng bước đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học
công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập
trung gắn với chế biến, tạo thành động lực phát triển vùng. Tiếp tục rà soát,
thực hiện giao khoán rừng và đất lâm nghiệp cho các hộ công nhân và nhân dân
trên địa bàn, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng và đất lâm
nghiệp được giao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần
phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã
hội trên địa bàn quản lý. Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công
tác quản lý và sử dụng đất đai.
Trước đó đoàn
đã đi giám sát thực tế đến xã Xuân Thái huyện Như Thanh về việc chuyển đổi 200
ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su và rừng sản xuất.
Nguyễn Hương Thảo