Ngày 2-6, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thứ 30 để xem xét, cho ý kiến vào một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Toàn cảnh phiên họp lần thứ 30 của Thường trực HĐND tỉnh.
Dự phiên họp có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là Trưởng các Ban của HĐND tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Phạm Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu cho ý kiến vào nội dung UBND tỉnh trình tại phiên họp.
Tại phiên họp, đại diện UBND tỉnh đã báo cáo giải trình phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020. Theo đó, căn cứ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tham mưu xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn đảm bảo các đối tượng, nội dung phù hợp với tình hình thực tế và đúng các quy định hiện hành. Việc phân bổ vốn đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí cho các công trình đã hoàn thành và có quyết toán được duyệt, các công trình đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2020; số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới. Đối với việc trả thưởng cho các huyện, xã đạt chuẩn NTM, năm 2020, ngân sách tỉnh hỗ trợ 140 tỷ đồng, trong đó, dự kiến thưởng đủ cho 100% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, với số nguồn vốn là hơn 20 tỷ đồng; thưởng cho 83 xã đạt chuẩn NTM năm 2018 - 2019, mỗi xã hỗ trợ bằng 85% định mức, với tổng số nguồn vốn là hơn 70 tỷ đồng; hỗ trợ các công trình chuyển tiếp theo cơ chế, chính sách của tỉnh là hơn 15 tỷ đồng. Hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí để thưởng cơ bản đảm bảo theo kế hoạch, song do số lượng đơn vị đạt chuẩn NTM vượt kế hoạch (đến năm 2019 so với kế hoạch vượt 2 huyện, 106 xã, 288 thôn, bản) nên ngân sách tỉnh chưa kịp cân đối. Đối với số nguồn vốn còn thiếu, UBND tỉnh sẽ cân đối hỗ trợ cho các địa phương trong năm 2020, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Đồng chí Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Về hỗ trợ các công trình hạ tầng tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn; xã Mường Chanh, huyện Mường Lát và xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa; việc hỗ trợ các xã lên phường của thị xã Nghi Sơn, UBND tỉnh đã có giải trình cụ thể từng nội dung, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét phương án phân bổ để UBND tỉnh hoàn thiện tờ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Cũng tại phiên họp, UBND tỉnh đã xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa. Theo đó, trong những năm gần đây, khu vực Đông Bắc thị xã Bỉm Sơn và Đông Bắc huyện Hà Trung đã trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều dự án công nghiệp, trong đó có các dự án quy mô lớn, như: Nhà máy xi măng Long Sơn, Nhà máy bao bì Long Sơn, Nhà máy gạch Long Thành, Nhà máy gạch Viglacera … Tuy nhiên hạ tầng giao thông đường bộ kết nối trong khu vực này về phía Đông thị xã Bỉm Sơn hiện rất kém; các tuyến đường có quy mô nhỏ, đã được đầu tư từ trước năm 1990, nhiều đoạn đã xuống cấp, gây khó khăn cho đi lại của Nhân dân; ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các vùng.
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu làm rõ một số nội dung xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh.
Việc đầu tư tuyến đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn, từng bước hoàn thiện hạ tầng mạng lưới giao thông khu vực, phục vụ nhu cầu vận chuyển và đi lại của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực. Tuyến đường có chiều dài 15 km, đảm bảo quy mô đường cấp 3 đồng bằng, thời gian thực hiện không quá 4 năm, từ năm 2021 đến năm 2024.
Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nêu rõ: Đây là lần thứ hai, Thường trực HĐND tỉnh nghe và cho ý kiến vào phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM năm 2020. Do vậy, UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc chậm tham mưu phương án, trực tiếp là sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM năm 2020 được UBND tỉnh xin ý kiến tại phiên họp. Đối với việc hỗ trợ các xã lên phường của thị xã Nghi Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với phương án 1, UBND tỉnh xin ý kiến và nêu rõ việc giao vốn cho các xã ở huyện Tĩnh Gia trước đây, nay là thị xã Nghi Sơn, để xây dựng NTM được bố trí phân bổ từ cuối năm 2019, tuy nhiên, do sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Kế hoạch và Đầu tư trong qúa trình thực hiện đã không bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Thường vụ Tỉnh ủy để nhanh chóng tham mưu trình HĐND tỉnh giải quyết, cho nên việc triển khai chậm. Tuy đã lên phường nhưng ở một số nơi chủ yếu sản xuất nông nghiệp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, vẫn tiếp tục giao nguồn vốn xây dựng NTM để các địa phương phát triển.
Đối với vấn đề thưởng cho các huyện, các xã đạt NTM, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh nghiên cứu cân đối các nguồn có thể để bố trí đủ số còn lại nợ thưởng các huyện, xã trong năm 2020.
Kết luận về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh nghiên cứu đầu tư dự án với quy mô cắm mốc đường cấp 2 đồng bằng, nhưng trước mắt tiến hành triển khai làm đường quy mô cấp 3 đồng bằng. Đồng thời, nghiên cứu đoạn từ đường ven biển đến khu công nghiệp và ra cảng ở xã Nga Tân, nếu có thể đầu tư bằng ngân sách nhà nước thì tính toán bổ sung thêm vào dự án, nhằm góp phần xây dựng xây dựng vùng tứ sơn, 6 vùng liên huyện, 6 hành lang kinh tế, phù hợp với Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về cơ chế tài chính đối với các huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải thực hiện theo nguyên tắc là các huyện phải chủ động thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng; nếu trong thời gian phân kỳ đầu tư, ở giai đoạn đầu huyện nào thiếu nguồn vốn giải phóng mặt bằng, thì có thể ứng ngân sách của tỉnh, sau khi hoàn thành dự án, tiến hành khai thác quỹ đất phải trả lại cho ngân sách tỉnh. Việc thực hiện dự án phải đảm bảo công bằng đối với tất cả các huyện, thị xã được thụ hưởng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ để Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Cũng tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến vào chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo Hội trường lớn và một số hạng mục công trình khác thuộc Trung tâm Hội nghị 25B phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; dự án cải tạo sửa chữa Trường Trung cấp Phát thanh – Truyền hình thành Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ, TP Sầm Sơn; việc giải trình một số nội dung trình liên quan đến đổi tên thôn Ba Chè, thị trấn Thiệu Hóa và nguyên tắc, tiêu chí giảm lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000 của Chính phủ; báo cáo tiêu chí lựa chọn các trạm y tế xã thuộc dự án đầu tư xây dựng 12 trạm y tế xã và một số nội dung quan trọng khác.