Thực hiện Kế hoạch số 888/KH-HĐND Ngày 09/8/2021 về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện quản lý Nhà nước về cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay”; ngày 21/9/20221, Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Xây dựng. Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham gia có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ năm 2018 đến nay Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và Sở cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” đã được thực hiện và sử dụng sản phẩm trong xây dựng; tổ chức thực hiện các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng; hướng dẫn các hoạt động thẩm định, đánh giá về công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng; chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong các hoạt động khoáng sản …; chủ động phối hợp công tác với các đơn vị có liên quan.
Từ năm 2018 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành 04 Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản với tổng số mỏ được bổ sung quy hoạch là 298 mỏ; cụ thể là: có 130 mỏ đất (trữ lượng 116,259 triệu m3); có 47 mỏ đá (trữ lượng 649.351 tấn và 137,96 triệu m3), 121 mỏ cát (trữ lượng 23,882 triệu m3). Số mỏ được bổ sung quy hoạch đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường trong xây dựng, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Sở đã thực hiện việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra 562 đơn vị khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng đang hoạt động (gồm: xi măng; gạch nung tuynel, gạch không nung, gạch ốp lát; tấm lợp Fibro xi măng, đá ốp lát, vôi, tấm lợp Fibro xi măng, cát nghiền, đá xây dựng, cát xây dựng, đất san lấp, đất sét gạch ...). Các đơn vị hoạt động sản xuất ổn định góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực miền núi khó khăn.
Thời gian qua Sở Xây dựng đã thực hiện tốt nhiệm vụ mặc dù khối lượng công việc nhiều, số lượng cán bộ công chức được biên chế ít. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, khai thác, chế biến khoáng sản đó là: việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn một số huyện, trên địa bàn tỉnh các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng chưa sản xuất được vật liệu mới, vật liệu cao cấp có tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường; vẫn còn hiện tượng chưa đảm bảo môi trường, an toàn và vệ sinh lao động trong các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng …
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Sở Xây dựng, ý kiến thảo luận của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi, báo cáo giải trình, làm rõ và tiếp thu của lãnh đạo Sở Xây dựng; kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá và ghi nhận kết quả đạt được của Sở Xây dựng trong thời gian qua, nêu những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng trong thời gian tới phát huy những kết quả đã đạt được, có những giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, hạn chế; có tầm nhìn xa hơn trong vấn đề xây dựng chiến lược phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh nhưng phải bảo đảm sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên…
Một số đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu và sẽ báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.