Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách hỗ trợ Nhân dân tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngày 26/10/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 6980/BNN-KH về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Xác định phát triển nông nghiệp hiện đại, hàng hóa theo hướng công nghệ cao thì cần có chính sách đất đai phù hợp; thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, nghiên cứu tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; trong đó, trọng tâm là hoàn thiện pháp luật liên quan về đất đai để khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển thị trường quyền sử dụng đất, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp; cụ thể:

- Để hỗ trợ người dân chuyển đổi đất sản xuất lúa không hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái mang hiệu quả hơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản: Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, số 62/2019/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa; Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng ngô; Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT ngày 31/7/2014 về quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020...

- Để tạo cơ sở pháp lý, thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo hướng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao đời sống người sử dụng đất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì) tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội điều chỉnh Luật Đất đai; xây dựng, trình Chính phủ Đề án “Cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai gắn với cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp". Hai Bộ đã phối hợp xây dựng, đang trình Chính phủ phê duyệt Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

- Ở các địa phương, tùy theo sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mỗi vùng, miền mà chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp đã chủ động đưa ra những giải pháp, cách làm sáng tạo để tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Trên cơ sở đó, tăng cường liên kết giữa hộ nông dân, tổ chức kinh tế và nhà đầu tư về ứng dụng khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị gia tăng, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; lấy doanh nghiệp làm nòng cốt trong liên kết chuỗi giá trị, tạo sự lan tỏa cho phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Trong giai đoạn tới, để tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

- Tổng hợp nhu cầu của các địa phương và ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025 để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi đất lúa.

- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất với điều kiện vận hành thuận lợi nhất, chi phí giao dịch thấp nhất...

2. Giai đoạn vừa qua, mặc dù nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cũng như có nhiều chủ trương, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương để phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Đối với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, cả Trung ương và các địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng hạ tầng nông thôn. Đến nay, đã có 5.338 xã (64,84%) đạt chuẩn; 396 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Kế hoạch đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu trên, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong những nội dung quan trọng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở đó, Bộ đã tổng hợp nhu cầu, dự thảo nguyên tắc, tiêu chí và cơ chế phân bổ vốn cho các địa phương để thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đã được Quốc hội thông qua chủ trường đầu tư chương trình tại Nghị quyết số 25/2021/QH15. Trong đó, đối với các xã đã đạt chuẩn và tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung, tiêu chí định hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, sẽ hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương để nâng cấp, đầu tư một số công trình hạ tầng (nước sạch tập trung, công nghệ thông tin, môi trường, nâng cao cơ sở vật chất giáo dục đạt chuẩn) và phát triển sản xuất (Hợp tác xã hiệu quả, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ); phát triển văn hóa, du lịch nông thôn... đảm bảo bền vững và đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025./.

                                                                            


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.286.142
    Trong năm: 978.138
    Trong tháng: 90.305
    Trong tuần: 22.433
    Trong ngày: 915
    Online: 79