Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Chính phủ về công tác dự báo nhu cầu của xã hội để định hướng, phân bổ đào tạo cho từng trường, theo từng ngành, nghề cụ thể cho phù hợp với nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội; đồng thời, có giải pháp kiểm soát tốt chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên sư phạm nói riêng và sinh viên đại học, cao đẳng nói chung, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực xã hội, hiện nay bậc giáo dục đại học, cao đẳng, khi số lượng trường học và chất lượng đào tạo chưa song hành cùng nhau.
Ngày 23/3/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 1041/BGDĐT-GDĐH về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới sau kỳ họp thứ hai và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
1. Định hướng công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là một trong những nội dung quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong nhiều năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chú trọng nghiên cứu và ban hành những chính sách nhằm tăng cường gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội mà cụ thể là với thị trường lao động. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) chủ trì xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chiến lược và Quy hoạch nhân lực này. Năm 2012, Bộ KHĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 601/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia" với mục tiêu chính là xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia nhằm phục vụ công tác thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp quốc gia, các địa phương, theo ngành, lĩnh vực và theo trình độ. Đề án còn có mục tiêu cung cấp thông tin và kết quả dự báo nhu cầu nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều hành thực hiện; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như các tổ chức liên quan trong đào tạo, sử dụng lao động để hiện thực hoá mục tiêu đào tạo nhân lực theo nhu cầu của xã hội. Theo phân công của Chính phủ, Bộ KHĐT là cơ quan chủ trì đề án, chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về nhu cầu nhân lực của cả nước dựa trên dữ liệu do các đơn vị đầu mối chuyển về tiến hành dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp quốc gia, các bộ, ngành, theo từng thành phần kinh tế và địa phương. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ GDĐT phối hợp với Bộ KHĐT và thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cung và cầu nhân lực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
2. Về phía Bộ GDĐT đã nghiên cứu, ra soát và ban hành nhiều chính sách tăng cường gắn kết công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học với nhu cầu xã hội. Năm 2017, Bộ GDĐT đã thực hiện nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025" làm căn cứ để đề xuất và ban hành các giải pháp đẩy mạnh gắn đào tạo với sử dụng lao động. Năm 2018, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học trong đó có nhiều nội dung thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Năm 2019, triển khai Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025, hiện thực hóa chủ trương "tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và người sử dụng lao động trong toàn bộ quá trình đào tạo", Bộ GDĐT ban hành Công văn số 3964/BGDĐT-GDĐH ngày 03/9/2019 về việc đẩy mạnh hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm cả việc ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp theo đơn đặt hàng. Bộ GDĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học khi mở ngành phải có báo cáo phân tích, thuyết minh về nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động ở thời điểm hiện tại và dự báo theo kế hoạch trung hạn và dài hạn; khảo sát yêu cầu về năng lực người học sau khi tốt nghiệp mà nhà tuyển dụng mong muốn và trong phạm vi thị trường nhân lực của ngành dự kiến mở; khẳng định đề xuất mở và phát triển ngành đào tạo phù hợp với sứ mạng và mục tiêu chiến lược của cơ sở đào tạo, chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, vùng và cả nước. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học quy định các cơ sở đào tạo tự chủ xác định chi tiêu tuyển sinh các ngành trừ chi tiêu đào tạo sư phạm và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định của Bộ GDĐT. Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, một trong những nguyên tắc bắt buộc trong tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh là cơ sở đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động để bảo đảm cung đáp ứng cầu. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học được mới chuyên gia từ doanh nghiệp hiệp hội nghề nghiệp gắn với các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực làm giảng viên thỉnh giảng của cơ sở đào tạo.
Riêng đối với công tác tuyển sinh và đào tạo giáo viên, để kiểm soát chất lượng đầu vào sư phạm, bên cạnh việc quy định “ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào" theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018, Bộ GDĐT đã thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học theo cơ chế đặt hàng căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân lực sư phạm thực tế của các địa phương Bộ GDĐT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116 2020/ND-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, trong đó quy định cụ thể về việc xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo.
Nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học thống nhất trong toàn hệ thống, năm 2016, Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam, xác định rõ chuẩn đầu ra các trình độ của giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp là một thành phần không thể thiếu trong việc xác định chuẩn đầu ra của từng trình độ đào tạo nhằm bảo đảm phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động. Bộ GDĐT cũng đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, đồng thời khẩn trưởng tiến hành xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với từng lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo. Việc chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo, tư duy phản biện và logic, mức độ linh hoạt và nhạy bén trong xử lý vấn đề, học hỏi tích cực, linh hoạt nhận thức, quản lý cảm xúc và quản lý bản thân, kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ năng đàm phán và thuyết phục...), năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học trong chương trình đào tạo đang được các cơ sở giáo dục đại học chủ động và tích cực triển khai.
Năm 2021, triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ GDĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2021 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sự phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với một trong những mục tiêu trọng tâm là: “Quy hoạch để ra soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề và phân bổ vùng miền đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của các địa phương". Hiện nay, Bộ GDĐT đang tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ thông qua trong Quý IV năm 2022./.