Cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, nâng mức xử phạt công dân đủ tuổi nghĩa vụ quân sự, nhưng không tham gia nghĩa vụ quân sự; hiện nay theo Điều 5, Nghị định số 120/2013/NĐ - CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; mức phạt hành chính quá thấp, không đủ mức răn đe.

Ngày 02/3/2022, Bộ Quốc phòng đã có Văn bản số 599/BQP-TTr về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

- Điều 59, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định việc xử lý vi phạm liên quan về nghĩa vụ quân sự như sau: “Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

- Điều 332: Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Bộ luật hình sự năm 2015 quy định những hành vi vi phạm về nghĩa vụ quân sự như sau: “Có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, trường hợp cá biệt có thể bị phạt đến 05 năm tù giam”.

- Đối với đề nghị bổ sung quy định sinh viên sau tốt nghiệp cao đẳng, đại học gọi nhập ngũ tại trường:

Điểm b, khoản 2, Điều 17, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đến cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự đến cơ sở giáo dục; sau khi thôi học phải làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới. Người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự và chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự”.

- Về trách nhiệm của gia đình đối với công dân được gọi nhập ngũ:

Điều 5, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm giáo dục, động viên và tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự”.

- Đối với đề nghị tăng mức tiền xử phạt đối với các hành vi vi phạm thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo đảm tính răn đe:

Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; Nghị định đã quy định đầy đủ, cụ thể từng hành vi, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự (quy định từ Điều 4 đến Điều 9); góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh quốc phòng, tạo hành lang pháp lý trong phòng ngừa, xử lý các vi phạm, từng bước bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng xã hội góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực hiện Nghị định số 120/2013/NĐ-CP từ năm 2013 đến nay, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trình tự, thủ tục xử lý các hành vi vi phạm còn một số vấn đề vướng mắc cần phải nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế các văn bản cũ cho phù hợp. Năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự thảo Nghị định sửa đổi đã tiếp thu, sửa đổi tăng các mức tiền xử phạt cao gấp từ 4-10 lần so với Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ đang hiện hành, cá biệt đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ” đã đề nghị tăng đến mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu là 75.000.000 đồng. Hiện nay dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến của các Thành viên Chính phủ. Bộ Quốc phòng đang hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ ban hành theo quy định.

- Đối với kiến nghị điều chỉnh mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng tại Điều 37 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ:

Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 118/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, việc quy định mức tiền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 37 Nghị định số 120/2013/NĐ CP) phải tuân thủ theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Đối với kiến nghị quy định cụ thể chế tài đối với công dân cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian tuyển quân:

Dự thảo Nghị định sửa đổi đã tiếp thu, bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định, nhằm khắc phục tình trạng công dân cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian tuyển quân (phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng).


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.210.854
    Trong năm: 983.832
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 3.171
    Online: 53