Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế đã có Văn bản số 11150/BYT-VPB1 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

Câu 1: Đề nghị B Y tế xem xét trình Chính phủ khôi phục chức danh y tá thôn, bản; có chính sách hỗ trợ cho cán bộ Trạm y tế và kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của Trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngay tại cơ sở, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Đề nghị xem xét có chính sách động viên, khen thưởng và tri ân đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trả lời:

1. Khôi phục chức danh y tá thôn, bản và có chính sách hỗ trợ cho cán bộ Trạm y tế

- Nhân viên y tế thôn, bản có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế, là cánh tay nối dài để ngành Y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cộng đồng; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm luôn luôn có nguy cơ bùng phát, lây lan trong cộng đồng cần phải được phát hiện sớm, truy vết, giám sát chặt chẽ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hẹp khoảng cách về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em giữa các vùng, miền, góp phần bảo đảm tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

Ngày 11/5/2009, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản; tại khoản 1, Điều 1 đã quy định “Mỗi thôn, bản được bố trí từ 01 đến 02 nhân viên y tế, căn cứ vào quy mô dân số và địa bàn hoạt động", Điều 2 đã quy định “Trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hàng tháng; mức phụ cấp bng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung". Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030 Chi tiêu cụ thể về tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động: Đạt 90% vào năm 2015 và trên 90% vào năm 2020”.

- Ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người, được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với 03 chức danh gồm Bí thư Chi bộ, Trưng thôn hoặc T trưởng tổ dân phố, Trưng Ban công tác mặt trận; người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ cho nguồn quỹ khác (nếu có)"; dẫn đến việc triển khai thực hiện có khác nhau ở mỗi địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Hiện tại, Bộ Y tế đang trình Chính phủ:

- Dự thảo Nghị quyết về giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản: bao gồm 02 nội dung chính: (i) Duy trị, ổn định đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản đã được đào tạo để hoạt động phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế ở địa phương; (ii) Thực hiện chính sách bồi dưỡng hằng tháng đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; mức bồi dưỡng hằng tháng do địa phương quyết định từ nguồn ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và các nguồn kinh phí hợp pháp khác làm cơ sở pháp lý giúp các địa phương thống nhất triển khai thực hiện nhằm duy trì, ổn định đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương.

- Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng (trong đó có chính sách hỗ trợ cho cán bộ trạm y tế) để “Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong lĩnh vực y tế dự phòng" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri quan tâm đề xuất với cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét ban hành chính sách của địa phương, cũng như có ý kiến đồng thuận với Bộ Y tế trong việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, ban hành các văn bản nêu trên.

2. Kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của Trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngay tại cơ sở, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

- Về đảm bảo kinh phi thường xuyên cho hoạt động của Trạm y tế xã: Ngày 01/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó giao các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định; giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

Tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng ngân sách địa phương, quyết định phân bổ cho y tế dự phòng đạt tối thiểu 30% ngân sách y tế, ưu tiên cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần và các lĩnh vực khác theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bộ Y tế đã có Công văn số 4607/BYT-KHTC ngày 08/6/2021, Công văn số 8160/BYT-KHTC ngày 29/9/2021 gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 nội dung các địa phương dành tối thiểu 40% ngân sách y tế cho y tế cơ sở để phân bổ cho Trạm y tế xã để triển khai các hoạt động, bao gồm cả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Số kinh phí này được phân bố cho các Trạm y tế theo định mức phân bổ do địa phương quyết định. Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri quan tâm có ý kiến với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình phân bổ ngân sách chi sự nghiệp y tế như ý kiến của Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính.

- Riêng đối với kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định thuộc kinh phi chi không thường xuyên, nằm ngoài định mức ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các trạm y tế xã; do đó, Sở Y tế có trách nhiệm lập dự toán nhu cầu kinh phí phòng chống dịch COVID-19 về y tế trên phạm vi toàn tỉnh để gửi Sở Tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách để giao kinh phí phòng chống dịch COVID-19 cho các đơn vị thực hiện.

3. Chính sách động viên, khen thưởng và tri ân đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch

- Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Nhà nước, Bộ Y tế đã tổng hợp thành tích, trình xin ý kiến của các thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Nhà nước và trình khen thưởng kịp thời cho rất nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặc biệt là những cá nhân trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống dịch. Phát động Phong trào thi đua “Ngành Y tế chung tay phòng chống dịch COVID-19".

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong cả nước, gồm: Huân chương Lao động hạng Ba 3 cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Huân chương lao động hạng nhì cho nhân dân và cán bộ thành phố Đà Nẵng; 19 tập thể (trong đó có 01 tập thể do Bộ Y tế trình) và 05 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 199 tập thể (trong đó 08 tập thể do Bộ Y tế trình) và 226 cá nhân (trong đó 66 cá nhân do Bộ Y tế trình) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chiều ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 vừa qua. Cũng tại cuộc gặp này, các cơ quan sẽ tổ chức khen thưởng, động viên một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch. Công tác khen thưởng động viên sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để kịp thời tôn vinh những người chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.

Bộ Y tế đã khen thưởng cho 258 tập thể và 1.170 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID- 19", Hướng dẫn số 2611/HD-BTĐKT ngày 06/10/2021 của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương hướng dẫn khen thưởng cá tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành Y tế đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ".

Hiện nay, Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế vẫn tiếp tục đề nghị tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân theo đề xuất của các đơn vị và đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, cấp Bộ Y tế đối với các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt, tiêu biểu xuất sắc trực tiếp tham gia công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 tại tuyến đầu theo nguyên tắc “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý” căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 46, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

- Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, tại Điều 46 quy định về Tuyến trình khen thưởng như sau: "Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý". Nên Bộ Y tế chỉ trình khen thưởng cấp Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; đối với tập thể cá nhân thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế có thể tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, việc đề nghị hình thức khen thưởng cấp Nhà nước do Cơ quan Thường trực tham mưu công tác thi đua, khen thưởng tại các tỉnh, thành phố trình.

 

Câu 2: Hiện nay, bộ kit test COVID-19 đang có nhiều loại, có xuất xứ từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam..., có sự khác nhau về giá và nhìn chung vẫn còn cao. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển...hoạt động phải thực hiện test tầm soát COVID-19 định kỳ;do vậy chi phí tăng, dẫn đến tăng giá thành hàng hóa. Để góp phần giảm chi phí, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, bình ổn thị trường, kiến nghị Bộ Y tế đề xuất triển khai các biện pháp bình ổn giá bộ kit test COVID-19; thường xuyên cập nhật, công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng, tỷ lệ chính xác của bộ test và giá bán của các đơn vị cung cấp bộ test để có sự so sánh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kịp thời cập nhật, lựa chọn bộ test phù hợp.

          Trả lời:

- Sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật Giá; giá các mặt hàng khác nhau giữa các hãng sản xuất, giữa các nước sản xuất và giá cũng khác nhau theo các thời điểm, lúc đầu số lượng các hãng sản xuất không nhiều, nhu cầu thị trường lớn, tất cả các quốc gia đều có tình trạng tranh mua nên giá thị trường cao, về sau năng lực sản xuất tăng lên, xuất hiện nhiều nhà sản xuất, giá hạ xuống.

- Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong quản lý giá sinh phẩm xét nghiệm, cụ thể như sau:

+ Từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và hạ giá thành sản phẩm. Từ tháng 7/2020, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các công ty kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phải niêm yết giá trên Cổng Công khai giá của Bộ Y tế. Hiện nay, đã có 69.235 sản phẩm và 93.253 kết quả đấu thầu đã được niêm yết. Căn cứ vào đó, các đơn vị tham khảo xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu thầu cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho địa bàn.

+ Yêu cầu các công ty tăng nguồn cung đối với việc cung ứng cho thị trường Việt Nam và hạ giá thành sản phẩm.

+ Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ, Bộ Y tế đã rút ngắn thời gian cấp số lưu hành, giấy phép nhập khẩu, tăng cường cấp phép để tăng số lượng mặt hàng cung ứng trên thị trường, tạo cạnh tranh giữa các công ty. Đến nay, đã cấp phép 169 sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó xét nghiệm vật liệu di truyền 56, xét nghiệm kháng nguyên 83 (test nhanh 72, chạy máy miễn dịch 11) và xét nghiệm kháng thể là 30.

+ Tiếp tục vận động tài trợ, hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế, đến nay đã vận động được trên 50 triệu test xét nghiệm; trên 2.400 máy thở chức năng cao. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài phần Trung ương phân bổ cho các địa phương thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được các doanh nghiệp hỗ trợ 14,4 triệu test.

- Để giảm giá thành test xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp

+ Ban hành các hướng dẫn trong việc gộp mẫu xét nghiệm như gộp 3; gộp 5 (ở Bắc Giang); xét nghiệm realtime RT-PCR có thể gộp 10-20 (ở TP. Đà Nẵng). Đồng thời, Bộ Y tế cũng liên tục có các điều chỉnh trong thay đổi Chiến lược xét nghiệm theo từng thời điểm, giai đoạn, tùy tình hình thực tế để triển khai hình thức xét nghiệm cho phù hợp (Xét nghiệm gộp mẫu hộ gia đình, lấy mẫu đại diện, theo vùng vàng, đỏ, cam...) trên quan điểm phòng, chống dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm.

Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị thực thanh thực chi, trong trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào qua đấu thầu (tuy nhiên, có đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, Bộ Y tế đã nghiêm khắc nhắc nhở). Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 615/CĐ-BYT ngày 07/5/2021 và 628/CĐ-BYT ngày 10/5/2021 để hướng dẫn và chấn chỉnh các cơ sở y tế không được phép thu tiền của người bệnh trong việc xét nghiệm COVID-19. Đối với các trường hợp có bảo hiểm y tế thì được thanh toán bảo hiểm y tế, có những trường hợp không có bảo hiểm y tế thì do ngân sách nhà nước chi trả.

+ Thúc đẩy sản xuất trong nước (sản xuất PCR, test nhanh, kháng thể). Đến nay, đã có 8 đơn vị sản xuất trong nước được cấp phép cung cấp test kháng nguyên nhanh cũng như cung cấp test realtime RT-PCR, cung cấp test kháng thể. Năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng của chúng ta về cơ bản cũng đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, thúc đẩy nghiên cứu các phương pháp chẩn đoán mới qua hô hấp, nước bọt ... để làm giảm giá thành và tăng tính tiện ích đối với người dân.

- Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế, cụ thể: i) Công khai, minh bạch toàn bộ trong quá trình quản lý; ii) Chuyển từ phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; iii) Phương thức quản lý phù hợp với quốc tế. Đặc biệt đối với vấn đề về quản lý giá và trang thiết bị cũng như sinh phẩm chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá. Bộ Y tế đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bình ổn giá trong trường hợp cần thiết đối với mặt hàng này. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 08/11/2021 quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS CoV-2; trong đó quy định chỉ tính giá dịch vụ xét nghiệm tối đa, nếu như đơn vị y tế đấu thầu với giá sinh phẩm thấp hơn giá đó cũng chỉ được thu giá thấp hơn./.

                                                                  


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.297.378
    Trong năm: 978.504
    Trong tháng: 87.966
    Trong tuần: 25.244
    Trong ngày: 1.703
    Online: 56