Cử tri đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 104 của Bộ luật Tố tụng dân sự; trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về định giá trong trường hợp không cử người tham gia Hội đồng định giá theo Quyết định của Tòa án và xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng định giá tài sản; sửa đổi Điều 473 Bộ luật Tố tụng dân sự về "yêu cầu cung cấp thông tin về nhân thân, xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài”. Trong thực tế, việc ủy thác cho cơ quan nước ngoài thu thập chứng cứ là không thể thực hiện được. Vì vậy, Tòa án không thể giải quyết được vụ án, dẫn đến vụ án bị tồn đọng kéo dài; sửa đổi khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Tố tụng dân sự về sự có mặt của Kiểm sát viên:

Ngày 31/12/2021, Tòa án nhân dân Tối cao đã có Văn bản số 488/TANDTC-PC về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Về Điều 104 của Bộ luật Tố tụng dân sự

Khoản 4 Điều 104 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá, định giá tài sản như sau:

“a) Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại Điều 52 của Bộ luật này không được tham gia Hội đồng định giá. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá;

b) Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia Hội đồng định giá thì Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của Tòa án. Người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng thì Tòa án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia Hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, cử người khác thay thế và thông báo cho Tòa án biết để tiếp tục tiến hành định giá;

c) Việc định giá phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan phải có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia Hội đồng định giá thì Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của Tòa án. Người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng thì Tòa án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia Hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, đồng thời cử người khác thay thế và thông báo cho Tòa án biết.

2. Về Điều 473 của Bộ luật Tố tụng dân sự

Điều 473 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

“1. Người khởi kiện, người yêu cầu phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự đó. Trường hợp không ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài hoặc thiếu những nội dung trên thì phải bổ sung trong thời hạn do Tòa án ấn định, hết thời hạn đó mà không cung cấp được thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

2. Trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trả hoặc yêu cầu Tòa ăn Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc sau 06 tháng mà không có trả lời thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu".

Vấn đề này, tại Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn: Đối với vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài là một trường hợp đặc thù; quyền ly hôn là một trong các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 39 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do vậy, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

3. Về Điều 232 của Bộ luật Tố tụng dân sự

Theo khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa".

Như vậy, quy định như trên là để tránh trường hợp kéo dài giải quyết vụ án. Mặt khác trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.176.587
    Trong năm: 1.346.593
    Trong tháng: 145.604
    Trong tuần: 29.682
    Trong ngày: 2.784
    Online: 20