Ngày 30/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 9353/BKHĐT-TH về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

 1. Nội dung kiến nghị số 1: Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2019 để sớm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: (i) Khoản 3, khoản 4, Điều 35 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định. Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc phân cấp quản lý các công trình (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã quản lý những công trình nào), nên rất khó khăn cho địa phương trong việc xác định cấp quản lý các công trình, làm cơ sở quyết định đầu tư các dự án. (ii) Điểm a, khoản 2, Điều 42 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: Người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các cấp giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị có chức năng tổ chức khảo sát, lập báo cáo đề xuất dự án. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể về hồ sơ, nội dung của Báo cáo đề xuất dự án đối với dự án khẩn cấp nên vướng mắc trong quá trình thực hiện (iii) Khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn NSTW, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau. Điều 63, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định kế hoạch đầu tư công hằng năm ở địa phương của cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định (chia làm 03 cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Như vậy, nếu theo khoản 2, Điều 68 Luật Đầu tư công năm 2019, việc kéo dài kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương hằng năm sang năm sau (gồm 03 cấp tỉnh, huyện, xã) đều do HĐND cấp tỉnh quyết định sẽ rất bất cập, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, mất nhiều thời gian, làm phát sinh nhiều hồ sơ, thủ tục và đi ngược lại với xu hướng phân cấp, phân quyền hiện nay.

Trả lời:

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/ 7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức làm việc với một số địa phương. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương tại cuộc họp và báo cáo bằng văn bản của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác kết quả rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư công.

Đối với quy định về thẩm quyền trong việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án vốn ngân sách địa phương tại khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14: Đề nghị thực hiện theo đúng quy định hiện hành, theo quy định các dự án được phép thực hiện và thanh toán đến 31/01 năm sau, do vậy trường hợp bất khả kháng phải kéo dài thì cần rà soát, đánh giá làm rõ nguyên nhân; tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Việc phân cấp quản lý dự án gắn với nhiệm vụ chi ngân sách của từng cấp, phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Hầu hết các địa phương đều ban hành quy định phân cấp quản lý và thực hiện dự án đầu tư công, dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu hoàn thiện trong quá trình rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

2. Nội dung kiến nghị số 2: Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Khu Kinh tế, Khu công nghiệp để tạo khung pháp lý cao nhất, phù hợp với sự đóng góp của hệ thống Khu Kinh tế, Khu công nghiệp, Khu chế xuất trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Trả lời:

Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế (thời gian trình Chính phủ trong năm 2021-2022). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan lập đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 3. Nội dung kiến nghị số 3: Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012, rà soát các cơ chế chính sách đặc biệt là các chính sách về thuế, đất đai và tín dụng... nhằm tạo điều kiện về hành lang pháp lý, nguồn lực để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được củng cố, đổi mới và phát triển.

Trả lời:

Tại Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những nội dung kiến nghị của cử tri trong quá trình tổng kết thi 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012.

4. Nội dung kiến nghị số 4: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi điểm a, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ theo hướng sử dụng vốn nước ngoài để thanh toán các loại thuế, phí của các dự án ODA cho linh hoạt, phù hợp với hiệp định vay của Chính phủ đã ký kết với nhà tài trợ thay vì sử dụng vốn đối ứng ngân sách địa phương, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách địa phương.

Trả lời:

Tại văn bản số 6718/VPCP-QHQT ngày 21/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về rà soát quy trình tiếp nhận, ký kết, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo yêu cầu của Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã cho phép việc các cơ quan chủ quản, chủ dự án được sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các hoạt động tư vấn quốc tế thực hiện dự án, đào tạo chuyển giao công nghệ, thanh toán cho các khoản thuế và phí như đã thỏa thuận với các nhà tài trợ được quy định trong các hiệp định vay ký kết trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (áp dụng cho các Hiệp định vay đã ký kết từ năm 2017 về trước).

Ngày 12/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 6995B/TTr BKHĐT trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Ngày 06/12/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8904/VPCP QHQT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 8641/BKHĐT-KTĐN ngày 08/12/2021 về hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Nội dung kiến nghị số 5: Đề nghị ban hành quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân theo điểm a, khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 và điểm a, khoản 2, Điều 59 Luật Đất đai năm 2013.

Trả lời:

Trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai thì trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 36 Luật Đầu tư, Điều 33 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

6. Nội dung kiến nghị số 6: Đề nghị hướng dẫn quy định cụ thể nội dung quy định tại khoản 2, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020; có hướng dẫn cụ thể thủ tục đầu tư dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo thuận lợi trong quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư; đồng thời không trái với các quy định khác liên quan.

Trả lời:

Quy định tại khoản 2, Điều 32 Luật Đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được quy định tại khoản 7, Điều 33 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 31 Luật Đầu tư và khoản 1, Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có mục tiêu khu đô thị - dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật đấu thầu (trong trường hợp nhà đầu tư chưa có quyền sử dụng đất)./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.209.964
    Trong năm: 982.942
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 2.281
    Online: 63