Cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm phân bổ ngân sách cho tỉnh để thực hiện dự án tái định cư cho 119 hộ dân xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân bị ảnh hưởng bởi dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An); ban hành hướng dẫn về trình tự đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi hiện nay; tăng cường quản lý giá cả vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giá phân bón hiện nay.

Ngày 28/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 8913/BNN-KH về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Về phân bổ ngân sách cho tỉnh để thực hiện dự án tái định cư 119 hộ dân xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân bị ảnh hưởng bởi dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An).

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (giai đoạn 1), tỉnh Nghệ An có tổng mức đầu tư là 5.318,4 tỷ đồng (trong đó Hợp phần đền bù, di dân, tái định cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 360,7 tỷ đồng). Vốn đã bố trí từ khởi công đến hết năm 2020 là 3.496,4 tỷ đồng (trong đó Hợp phần đền bù, di dân, tái định cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 7, 5 tỷ đồng). Giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT bố trí 1.822 tỷ đồng (trong đó Hợp phần đền bù, di dân, tái định cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 353,2 tỷ đồng) để tập trung đầu tư hoàn thành dự án.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Báo cáo số 5386/BC-BNN-XD ngày 24/8/2021. Ngày 22/10/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7703/VPCP NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật từng thời kỳ, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Nghệ An đang khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép phê duyệt điều chỉnh dự án. Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phê duyệt và bố trí vốn để triển khai thực hiện các bước tiếp theo như kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa.

2. Về ban hành hướng dẫn trình tự đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi.

Chăn nuôi trang trại là phương thức được khuyến khích phát triển đối với chăn nuôi nông hộ. Phương thức chăn nuôi trang trại có điều kiện thuận lợi để áp dụng các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, tăng cường khả năng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn, trại nuôi gia cầm an toàn sinh học (QCVN 01-14:2010/BNNPTNT; QCVN 01-15/2010 BNNPTNT); Tiêu chuẩn trại chăn nuôi gia súc lớn (TCVN 9121:2012).

Trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành, các thành phần kinh tế chủ động xây dựng trại chăn nuôi, phù hợp với điều kiện thực tế về đất đai, khả năng đầu tư... Trường hợp các thành phần kinh tế có ý kiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn, giải đáp.

3. Về tăng cường quản lý giá cả vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giá phân bón.

Hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, giá cả đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường (trong đó, có các mặt hàng vật tư nông nghiệp và nhiều mặt hàng thiết yếu khác) đều được hình thành theo cơ chế thị trường. Nhà nước tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để người dân được sử dụng với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng. Việc bình ổn giá đối với vật tư nông nghiệp nói chung thực hiện theo Điều 3 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 03/3/2015.

Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá, kê khai giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; niêm yết giá hoặc điều tiết thông qua các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến thị trường phân bón trên thế giới cũng như trong nước biến động lớn, nguyên nhân chính là do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu nên giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trước diễn biến tăng giá của thị trường phân bón, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời và dành tối đa lượng sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước, hạn chế sản lượng xuất khẩu ở mức thấp nhất, đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng. Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo tăng cường việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ theo Chỉ thị số 117/CT- BNN-BVTV ngày 07/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.177.850
    Trong năm: 1.346.593
    Trong tháng: 145.604
    Trong tuần: 29.682
    Trong ngày: 4.046
    Online: 63