Chiều 6/4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và những nội dung lớn của dự thảo luật, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, bổ sung các khái niệm để cho dễ hiểu và dễ áp dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 06/4: HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ VÀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng ghi nhận cơ quan soạn thảo vafcow quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý rút gọn dự thảo luật với 7 chương, 57 điều bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và thể hiện rõ trong các chương, điều, khoản của dự thảo luật. Trong đó dự thảo luật quy định nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước về phòng thủ dân sự.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, nếu dự án Luật Phòng thủ dân sự được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 lần này sẽ được áp dụng trong những trường hợp mang tính cấp bách, đặc biệt là những trường hợp khi Nhà nước tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp có thể xem như một cách để một quốc gia tự vệ trước những mối đe dọa từ bên ngoài hay xung đột nội bộ, bằng cách điều chỉnh lại mối tương quan giữa lợi ích của cá nhân, tổ chức với sự tồn vong của cộng đồng, của đất nước bởi những biện pháp đặc biệt mà trong bối cảnh thông thường không thể được phép áp dụng. Vì vậy, Luật Phòng thủ dân sự nếu được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp tác động tương đối mạnh mẽ đến quyền con người như là trong tình trạng khẩn cấp, giới nghiêm, thiếu nguồn lực, trưng thu, trưng dụng tài sản, buộc cấm di chuyển, v.v..

Nhất trí với quyết định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, dự thảo luật đã có sự phân định rõ về phạm vi điều chỉnh, đảm bảo không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành thể hiện. Đại biểu chỉ rõ dự thảo luật chỉ quy định về nguyên tắc hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, thảm họa mà việc ứng phó, khắc phục vượt quá khả năng của lực lượng chuyên trách thuộc các bộ, ngành và địa phương.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Dự thảo luật chỉ quy định những nội dung chung liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự và một số vấn đề mới mà các luật khác chưa quy định như đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa để xây dựng chiến lược kế hoạch phòng thủ dân sự, căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự, biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng với mỗi cấp độ phòng thủ dân sự mà chính quyền địa phương được phép áp dụng, hoạt động phòng thủ dân sự trên khắp vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoạt động khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh.

Từ  những phân tích trên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành, đồng thời đảm bảo tính liên kết chặt chẽ với các luật khác có liên quan đến phòng thủ dân sự, tạo thành cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình đối với việc bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Phòng thủ dân sự. Việc bổ sung quy định này là cần thiết để phân định rõ trường hợp nào áp dụng luật chuyên ngành, trường hợp nào áp dụng Luật Phòng thủ dân sự, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không bị chồng chéo với luật chuyên ngành và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng dự thảo luật cũng đã cơ bản có tiếp thu, chỉnh lý quy định những vấn đề chung và những nội dung chưa được quy định trong các luật chuyên ngành về phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung quy định chưa cụ thể, rõ ràng, còn chồng chéo, thiếu thống nhất, khó phân định với quy định của pháp luật có liên quan.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý những nội dung đặc thù và những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời, luật hóa các quy định liên quan đến phòng thủ dân sự trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện ổn định, khả thi và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cũng làm rõ quy định về tổ chức phòng thủ dân sự để đảm bảo hoạt động không chồng chéo, có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật. Nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách đầu tư nguồn lực để xây dựng các lực lượng chuyên trách, trang bị phòng thủ dân sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm họa và sự cố hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cần ưu tiên xác định rõ phạm vi áp dụng của Luật Phòng thủ dân sự trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu Luật Phòng thủ dân sự là luật gốc, quy định những nguyên tắc, những hoạt động của phòng thủ dân sự; đồng thời phải xác định rõ nội dung áp dụng trên cơ sở quy định của luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh và việc áp dụng pháp luật, báo cáo làm rõ nội dung này, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương khẳng định dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có phân định rõ về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ quy định về nguyên tắc hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với các sự cố, thảm họa khi việc ứng phó, khắc phục mà vượt quá khả năng của lực lượng chuyên trách thuộc các bộ, ngành của địa phương, có nghĩa là khi sử dụng các luật chuyên ngành hiện nay mà vượt quá khả năng này thì mới áp dụng Luật Phòng thủ dân sự.

Dự thảo luật chỉ quy định những nội dung chung liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự và một số vấn đề mới mà các luật khác chưa quy định, như là đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa để xây dựng các chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự, căn cứ để xác định cấp độ phòng thủ dân sự, các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng với mỗi cấp độ phòng thủ dân sự mà chính quyền địa phương được phép áp dụng, hoạt động phòng thủ dân sự trên các vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoạt động khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương nêu rõ, dự thảo luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị quy định về phòng thủ dân sự đến năm 2023 và những năm tiếp theo. Dự thảo luật quy định hoạt động phòng thủ dân sự này đã được thực hiện từ sớm, từ xa, phòng là chính và từ khi chưa xảy ra sự cố, thảm họa. Đây là các quy định mang tính nguyên tắc chung với các loại sự cố, thảm họa.

Đồng thời, dự thảo luật đã quy định áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và các luật liên quan tại Điều 5 bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo. Khoản 2 Điều 5 cũng đã quy định rất rõ về hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả các sự cố, thảm họa được quy định trong luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành nhưng không trái với nguyên tắc hoạt động của phòng thủ dân sự tại Điều 3 của luật này thì áp dụng theo điều luật đó.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương

Khoản 3 Điều 5 quy định trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành có quy định đặc thù về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa khác so với các quy định của luật này thì phải tuân thủ theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của luật này và phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương tiếp tục nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự không chồng chéo với các luật hiện hành, tuy nhiên tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung một số từ ngữ vào để bảo đảm chặt chẽ hơn khi thi hành luật.

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.208.815
    Trong năm: 981.793
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 1.132
    Online: 138