iếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 6/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và góp ý cụ thể về nhiều nội dung, đề nghị cân bằng giữa yếu tố thị trường và yếu tố quản lý của nhà nước để hoàn thiện dự án luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/4: HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng mặc dù dự thảo Luật quy định khá chi tiết, nhiều nội dung, nhiều vấn đề, tuy nhiên vẫn mang tính hành chính. Trong khi đó, yếu tố thị trường trong quan hệ xử lý về giá chưa thể hiện được nhiều, hơi thiên về vấn đề quản lý nhà nước và đặt ra những quy tắc mang tính quản lý nhà nước nhiều hơn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên 

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành vấn đề cần được quan tâm là trong dự thảo Luật chỉ đưa ra những quy định để bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá. Quản lý nhà nước liên quan những vật tư, hàng hóa, thiết bị mà Nhà nước phải kiểm soát, phải bình ổn. Luật phải tạo ra hành lang pháp lý để cho các tổ chức, các hội, các đơn vị hoạt động liên quan về giá và để thực hiện được trong nền kinh tế thị trường và quy định để xử lý những tranh chấp liên quan đến giá. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định thiên về vấn đề hành chính, hoạt động của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan là không phù hợp, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị phải làm rất rõ nội hàm khái niệm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và quy định thêm những vấn đề trong những trường hợp đặc biệt sẽ có những hàng hóa bình thường, thông dụng trở thành thiết yếu. Đại biểu nhấn mạnh phải làm rất rõ những vấn đề khái niệm để có thể định hình được những hàng hóa nào mà Nhà nước phải kiểm soát, Nhà nước phải định giá cả và hàng hóa nào để cho thị trường tự xử lý. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị cần bổ sung khái niệm về giá bán; rà soát để làm rõ khái niệm về giá thị trường, yếu tố hình thành giá…cần được chuẩn lại theo những lý thuyết về kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh 

Góp ý cụ thể về các nội dung khái niệm cần được chuẩn hóa, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn về khái niệm giá trong dự thảo Luật. Đại biểu nhấn mạnh khái niệm giá là khái niệm trung tâm, là xuất phát điểm của luật. Tuy nhiên, khái niệm giá, khái niệm cơ sở hình thành giá được thể hiện trong dự thảo lại không mang tính thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích, dự thảo Luật quy định: Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các yếu tố chi phối và vận động của thị trường. Theo đại biểu, trong quy định này không có chữ quan hệ cung cầu, thiếu chữ giá cả hình thành trên quan hệ cung cầu. Do đó, đề nghị viết lại theo tinh thần giá thị trường là: Giá cả hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu phù hợp với chất lượng và giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả của người mua, phụ thuộc tương ứng với chất lượng và giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả người mua.

Liên quan đến khái niệm yếu tố hình thành giá, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng dự thảo quy định bị ngược về logic hình thành giá, không đúng với quy luật thị trường. Do đó, đề nghị viết lại thành: Cơ sở hình thành giá là quan hệ cung cầu và khả năng chi trả của người tiêu dùng thể hiện ở các tham số sau: Một là, số người cung cấp hàng hóa, dịch vụ ở quy mô, tính chất thị trường. Hai là, quy mô người mua và khả năng chi trả người mua cũng khác nhau. Ba là, thông tin về hoạt động thị trường, về chất lượng giá cả.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi)

Liên quan đến quản lý nhà nước, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng quy định, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có nhiều quy định trùng lặp. Đại biểu chỉ rõ, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính tại Điều 14 về việc thanh tra, kiểm tra, việc chấp hành pháp luật hợp tác quốc tế trùng với nội dung quản lý nhà nước về giá tại Điều 12. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho cơ quan quản lý giá thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; khoản 1 Điều 15 quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giao cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giúp Thủ trưởng. Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; khoản 1 Điều 16 quy định Ủy ban nhân dân các cấp giao cho cơ quan tài chính cùng cấp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, lượt bỏ các nội dung trùng lặp. Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, cơ quan, đơn vị.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lại cho rằng thời gian qua Bộ Tài chính đang đứng ngoài cuộc trong định giá. Bộ Tài chính chỉ phối hợp trong định giá các dịch vụ chuyên ngành. Các lĩnh vực như y tế, giáo dục, kit test, sách giáo khoa, giá đất đai, giá dịch vụ giao thông…đều giao cho cơ quan chủ trì định giá, còn Bộ Tài chính chỉ tham gia một phần nào đó. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng điều này là chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bộ Tài chính cần phải tham gia sâu và chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc định giá. Nếu để cho bộ chuyên ngành định giá thì dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, tiêu cực. Đại biểu đề nghị nghiên cứu giao cho Bộ Tài chính chủ trì, bộ ngành chuyên ngành đề xuất và phối hợp để định giá thống nhất.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ không có sự trùng lắp trong quản lý nhà nước và Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc trong định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá. Trong đó, Bộ Tài chính được phân định nhiệm vụ ban hành chuẩn mực giá, hướng dẫn về phương pháp định giá chung và thực hiện thanh tra, kiểm tra.  Bộ Tài chính chỉ quản lý một số mặt hàng cụ thể. Đối với các hàng hóa chuyên ngành sẽ do các bộ, ngành quản lý. Cụ thể như giá điện giao Bộ Công Thương; giá thiết bị y tế, thuốc giao Bộ Y tế;  giá về giáo dục giao Bộ Giáo dục; giá về khoa học, công liệu giao Bộ Khoa học và Công nghệ và ở địa phương thì phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Khẳng định Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc đối với quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi xây dựng phương pháp định giá của các loại mặt hàng thì các bộ, ngành đều sẽ lấy ý kiến của Bộ Tài chính rồi mới ban hành. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện các khái niệm có trong luật./.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.210.217
    Trong năm: 983.195
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 2.534
    Online: 39