Giáo dục và đào tạo không chỉ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến đào tạo nguồn nhân lực cho nền sản xuất xã hội mà còn là trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay, vai trò của nhân tài nói riêng, của đội ngũ tri thức nói chung ngày càng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội mà cả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, trong đối nội và đối ngoại. Bám sát quan điểm, đường lối chỉ đạo của Tỉnh ủy, thời gian qua, HĐND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi đây là vấn đề mang tính chiến lược xuyên suốt và luôn đặt ra yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện.
Cú hích nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Trên cơ sở nhận thức chung về vai trò đặc biệt của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển bền vững của đất nước, Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục được khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước”.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng tuyên dương và trao thưởng cho học sinh, giáo viên có học sinh đoạt giải Olympic Toán quốc tế năm 2022
Thời gian qua, HĐND tỉnh đã nỗ lực cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bộ tỉnh trong việc quyết sách về bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phố thông công lập; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cải thiện môi trường học tập, chuẩn hóa mức thu học phí, chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, hội thi... Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 37 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo; trong đó, có 23 nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo lớp học, phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ, nhà đa năng của các trường học; 07 nghị quyết quy định nội dung, mức chi, mức hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; 02 nghị quyết về cơ chế chính sách. Nổi bật nhất phải kể đến nghị quyết số 186/2021/NQ-HĐND về về việc ban hành chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT Chuyên Lam Sơn và các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 186/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành Chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn và các Trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì và nâng lên rõ rệt
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các nhà trường, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đã không ngừng phát triển và đạt được những kết quả nổi bật, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong những năm gần đây chất lượng giáo dục toàn diện tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao: Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của các cấp học, bậc học đều tăng (tính đến năm 2021: Mẫu giáo đạt 96,67%; Tiểu học đạt 99,8%; Trung học cơ sở đạt 100%; Trung học phổ thông đạt 71,78%); công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định, hiện, 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập tiểu học mức độ 3 đạt tỷ lệ 99,4%; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập THCS ở mức độ 2. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia trong 7 năm qua luôn đạt trên 92%. Số HS đạt tổng 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học, số HS đạt điểm 10 và thủ khoa luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Thứ hạng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia có chiều hướng tăng dần (năm 2018 xếp thứ 49; năm 2019 xếp thứ 46; năm 2020 xếp thứ 44; năm 2021 có sự bứt phá: Thanh Hóa xếp thứ 32, tăng 12 bậc so với năm 2020; năm 2022, tiếp tục tăng 5 bậc so với 2021, số điểm 10 đạt được của thí sinh thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh là 411, xếp thứ nhất toàn quốc…)
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước. Học sinh giỏi Quốc gia luôn ổn định về số lượng. Tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia luôn nằm trong tốp 10 đơn vị dẫn đầu trên toàn quốc. Trong 8 năm gần đây số học sinh đạt giải nhất nhiều năm thuộc tốp 5 đơn vị dẫn đầu trong toàn quốc (từ 5-7 giải). Năm học 2021 - 2022: Thanh Hóa có 58/76 học sinh dự thi đạt giải, đạt 76,32%, xếp thứ 6 toàn quốc. Thanh Hóa là một trong số tỉnh có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực Châu Á Thái Bình Dương đặc biệt trong những năm gần (từ năm 2016-2021 có 12 huy chương Olympic quốc tế (7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ) và 4 huy chương Châu Á Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ). Năm học 2021-2022, Thanh Hóa có 1 học sinh đoạt giải Ba Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học với Dự án các yếu tố gây nguy cơ trầm cảm của phụ nữ mang thai tại Việt Nam; 1 học sinh tham dự Olympic Quốc tế môn Toán tại Na Uy và xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh để giành Huy chương Bạc.
Quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển giáo dục và đào tạo
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, tuy đạt được những kết quả đáng tự hào, song tính ổn định chưa cao. Chung tay vào sự nghiệp giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh, HĐND tỉnh khóa XVIII đã tổ chức phiên chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 7 với nội dung “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn của tỉnh”.
Toàn cảnh phiên chất vấn Gíám đốc Sở Giáo dục tỉnh Thanh Hóa về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn của tỉnh
Chia sẻ với những khó khăn, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh một lần nữa khẳng định “Chương trình nâng cao chất lượng văn hoá, giáo dục, y tế giai đoạn 2021-2025” là 1 trong 6 chương trình trọng tâm trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục; xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn, trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo cần triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 05 giải pháp đã báo cáo trước HĐND tỉnh, đó là: (1) Có kế hoạch tuyển dụng giáo viên chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT, đặc biệt là trường THPT chuyên Lam Sơn; xây dựng cơ chế và định hướng cho các học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường Đại học sư phạm về giảng dạy tại trường THPT chuyên Lam Sơn. (2) Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Trường THPT chuyên Lam Sơn với các trường chất lượng cao THCS cấp huyện nhằm phát hiện, tuyển chọn học sinh giỏi, học sinh năng khiếu ở các địa phương. (3) Đổi mới công tác tuyển sinh vào trường THPT chuyên Lam Sơn; công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi chọn vào đội tuyển tham dự thi học sinh giỏi Quốc gia đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh. (4) Xây dựng cơ chế khen thưởng cho giáo viên và học sinh đạt giải cao trong kì thi quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động tích cực các nguồn lực xã hội của tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong việc khen thưởng kịp thời, động viên giáo viên, học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc gia, quốc tế. (5) Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng Trường THPT chuyên Lam Sơn thành trường trọng điểm chất lượng cao; nghiên cứu đề xuất các giải pháp 7 nâng cao chất lượng giáo dục của Trường THPT chuyên Lam Sơn thực sự trở thành trường THPT chất lượng cao trọng điểm quốc gia, ngang tầm với các trường trong khu vực và thế giới.
Ngay sau phiên chất vấn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 294/NQ-HĐND về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Trong đó, yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp đã báo cáo trước HĐND tỉnh; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương, các cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giá nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành đào tạo sư phạm ở các trường đại học hàng đầu trong nước và nước ngoài về dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trường THPT chuyên Lam Sơn; huy động da dạng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…
Kỳ vọng bứt phá từ giáo dục mũi nhọn
Thanh Hóa không chỉ tự hào là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, sản sinh ra “Tam vương, nhị Chúa”, nhiều anh hùng dân tộc, mà còn là vùng văn hóa đặc sắc, phong phú, trong đó nổi bật là truyền thống hiếu học và khoa bảng. Như nhận định của nhà sử học Lê Văn Lan từng đúc kết “Thanh Hóa là đất hiếu học”. Trải qua ngàn năm lịch sử, mảnh đất này như vùng trời sáng của cả nước về truyền thống học hành khoa cử.
Ngày nay, với quan điểm coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được Thanh Hóa ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.
Tin tưởng rằng từ sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy; việc tạo cơ chế chính sách của HĐND tỉnh, sự đổi mới quản lý của UBND tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo cùng với sự nhiệt huyết, chung tay của đội ngũ giáo viên và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học ở tất cả các bậc học, ngành học, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu cả nước.