TCCS - Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa triển khai đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện tới từng hộ dân ở các bản, làng_Nguồn: vbsp.org.vn

Một số kết quả đáng khích lệ

Thứ nhất, phối hợp có hiệu quả với các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn cho vay.

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức, như phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn), với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. 

Ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai ngay hình thức ủy thác bán phần với các tổ chức chính trị - xã hội. Tính đến ngày 31-8-2022, các tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham gia quản lý 11.766,8 tỷ đồng. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh quản lý 3.974,8 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng dư nợ ủy thác; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý 4.755,4 tỷ đồng, chiếm 40,4%; Hội Cựu chiến binh tỉnh quản lý 1.700,3 tỷ đồng, chiếm 14,4%; Tỉnh đoàn quản lý 1.336,3 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng dư nợ ủy thác.  

Có trên 4,3 nghìn trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố tại 100% xã, phường, thị trấn cùng tham gia triển khai, quản lý hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Vai trò của trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố trong hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách được đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách công khai, minh bạch; đồng thời, phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát sau khi cho vay, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Thông qua hoạt động ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hàng nghìn cán bộ tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hàng triệu người nghèo, đối tượng chính sách. Hoạt động ủy thác với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự giám sát của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và người dân bảo đảm yêu cầu công khai, dân chủ trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ tài chính một cách thuận lợi; được phổ biến kiến thức sản xuất, kinh doanh để sử dụng vốn vay hiệu quả, tiết giảm tối đa thời gian, chi phí, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Việc ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội là giải pháp sáng tạo, ưu việt, riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, phù hợp với tôn chỉ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay; qua đó, góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. 

Thứ hai, thiết lập mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Mô hình tổ chức quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mang tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức ủy thác một số nội dung công việc với phương thức phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện thành công cách thức tác nghiệp sáng tạo, hiệu quả để phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư (theo thôn, bản, khu phố) - đây được coi là cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Việc vay vốn qua Tổ góp phần tăng sự đoàn kết, tính nhân ái, giàu tình thương yêu, đùm bọc, gắn bó tình làng nghĩa xóm; giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Hoạt động của tổ đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí cho người vay, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Tính đến 31-8-2022, toàn tỉnh có 6.610 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó, có 6.390 tổ xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ 96,67%), 150 tổ xếp loại khá (chiếm 2,27%), 70 tổ xếp loại trung bình (chiếm 1,06%).

Thứ ba, nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, bảo đảm công bằng xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân

Thời gian qua, việc thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung vào những nhóm dân cư đặc thù, yếu thế trong xã hội, là những người sống ở những vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, người dễ bị tổn thương…. Đến nay, đã có trên 2,2 triệu hộ được vay vốn, với số tiền là 39.342 tỷ đồng để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 22 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng đã cho gần 912,3 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn, doanh số cho vay đạt 11.358,3 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 10.418,7 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, đã giúp cho hàng trăm ngàn lượt hộ vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo. Nguồn vốn tín dụng cho hơn 48,8 ngàn lượt khách hàng được vay vốn, doanh số cho vay đạt 1.893,1 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp 91 nghìn lao động có việc làm, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề.

Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng cho hơn 13,7 ngàn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn, doanh số cho vay đạt 160,1 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, để đạt được những kết quả nổi bật trên, đó là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc triển khai, thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn và giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định; duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch trên địa bàn các xã, thị trấn.


Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Trúc Phượng ở huyện Như Thanh được vay vốn chương trình giải quyết việc làm, đến nay, Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao là: nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư xám và nấm linh chi_Nguồn: vbsp.org.vn

Một số giải pháp trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng, tiếp cận bao quát các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách, cấp ủy, chính quyền các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn.

Hai là, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức; tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay.

Ba là, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực cho Ngân hàng

Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; gắn việc chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn.

Bốn là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, bảo đảm vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn. Tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao hằng năm và tập trung đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ đến hạn, nợ quá hạn.

Năm là, duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã. Quan tâm phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong quản lý và sử dụng vốn vay để nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.

Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm chất lượng, tránh hình thức; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những sai sót, hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Bảy là, quan tâm nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ triển khai qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, bảo đảm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa tin học, áp dụng công nghệ thông tin trong triển khai các mặt hoạt động nghiệp vụ, dịch vụ.

Tám là, quan tâm gắn việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội với công tác thi đua, khen thưởng định kỳ và đột xuất tại các cơ quan, đơn vị, tạo động lực để các tập thể, cá nhân có tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cũng như nhân rộng các điển hình tiên tiến./.

Tạp chí cộng sản


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.284.513
    Trong năm: 980.386
    Trong tháng: 89.406
    Trong tuần: 21.599
    Trong ngày: 2.925
    Online: 34