Là lĩnh vực mang tính quốc kế dân sinh, giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của mỗi cá nhân mà còn quyết định vận mệnh của đất nước. Nền giáo dục nào cũng hướng đến bồi dưỡng, phát triển con người có phẩm chất và năng lực cần thiết để làm chủ bản thân và phụng sự xã hội. Muốn có trò giỏi phải có thầy cô giáo giỏi. Bởi vậy, “làm sao để có thầy cô giáo giỏi?” là câu hỏi trở đi trở lại mỗi mùa tựu trường.

Ngày hôm qua, gần 23 triệu học sinh bước vào năm học mới. Không khí phấn khởi, vui tươi trong lễ khai giảng lan tỏa từ thầy cô đến học trò sau 2 năm hoạt động của các nhà trường bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Không khí ấy cần được duy trì cho cả năm học và trong sự nghiệp giảng dạy của mỗi thầy cô. Công tác trong lĩnh vực “trồng người”, các thầy cô rất cần chia sẻ năng lượng tích cực cho học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Tuy nhiên, không khí và năng lượng tích cực ấy có thể bị ảnh hưởng bởi những khó khăn, thiếu thốn mà các thầy cô phải đối mặt hàng ngày.

Danh sĩ Ngô Thì Nhậm từng nhận định: “Sở dĩ “giáo” không phổ cập được là do học trò không được học, mà học trò không học là do thầy không tinh; sở dĩ “pháp” không được lập là do người giỏi không được dùng, mà người giỏi không được dùng là do thưởng phạt không công minh; sở dĩ “chính” không thi hành được là do kẻ lại không được liêm, mà kẻ lại không được liêm là do bổng lộc không được đủ. Song thầy giảng không tinh, thưởng phạt không công minh và bổng lộc không đủ, duyên cớ là đều do tình trạng thiếu thốn và sự thực thiếu thốn. Cho nên, dù có cấp bách lo việc này nhưng nếu không nắm được mấu chốt của nó, thì dù “trí” có thể biết được, nhưng “thế” vẫn không thể làm được”.

Thầy cô chưa tinh chính là vấn đề mấu chốt trong sự nghiệp bồi dưỡng hiền tài cho đất nước. Thầy cô không tinh thì khó có thể phát hiện, đào tạo và phát triển được học trò giỏi. Không chỉ là người truyền thụ kiến thức, thầy cô còn là người định hướng, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho học sinh. Để hoàn thành trọn vẹn vai trò ấy, giáo viên cần thực hiện tốt vai trò làm gương và làm mẫu. Những học sinh cá tính, đặc biệt càng cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của những thầy cô chuẩn mực, tài năng và tâm huyết.

Trong bối cảnh ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn khách quan do đại dịch Covid-19, việc duy trì vị thế và tâm thế của thầy cô giáo là thách thức. Thầy cô nào cũng mong muốn được tập trung vào công việc chuyên môn, dành sức lực, tâm huyết cho việc dạy học và nâng cao trình độ nghề nghiệp. Các thầy cô không mong muốn bị cuốn vào những công việc hành chính, phi chuyên môn. Trong khi đó, các nhà quản lý, phụ huynh và học sinh luôn có nhiều kỳ vọng và đòi hỏi đối với năng lực, phẩm chất của các thầy cô giáo.

Chính vì thế, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay cần tập trung vào việc xác lập và xây dựng cái "thế" của ngành giáo dục nói chung và cái "thế" của các thầy cô nói riêng. Như Ngô Thì Nhậm quan niệm, giải quyết được cái thế ấy chính là nắm lấy mấu chốt của mấu chốt vấn đề, từ đó đề ra giải pháp căn cơ và triệt để. Vị thế của thầy cô được xác lập bởi phẩm chất, năng lực chuyên môn của chính các thầy cô và vị thế chung của toàn ngành giáo dục.

Trong khi đó, tâm thế của thầy cô giáo gắn liền với nguồn lực và các chính sách đầu tư cho giáo dục. Tâm thế ấy chính là cảm giác được trân trọng cả về vật chất và tinh thần để thầy cô yên tâm công tác. Để có những thầy cô giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, tình trạng thiếu thốn về nguồn lực cần được khắc phục bằng những chính sách kinh tế, văn hóa và xã hội vừa mang tính chiến lược vừa mang tính căn cơ. Có như vậy thì “trí” có thể biết được và “thế” có thể làm được.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.209.852
    Trong năm: 982.830
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 2.169
    Online: 54