Với tinh thần nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII đã thành công tốt đẹp. Với khối lượng công việc lớn đã hoàn thành, kỳ họp truyền đi thông điệp ý nghĩa về tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực HĐND tỉnh, bằng những quyết sách quan trọng, quyết định đến sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII (Ảnh: Minh Hiếu)
Điều hành linh hoạt, hiệu quả
Thành công của kỳ họp là tổng hòa của nhiều yếu tố, song cần khẳng định rằng, một yếu tố quyết định cho thành công là cách thức tổ chức và điều hành kỳ họp khoa học, linh hoạt của chủ tọa. Điều đó không chỉ giúp hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp, có khối lượng công việc lớn, với chất lượng và hiệu quả cao; mà còn tạo ra “độ mở” về nội dung bàn thảo và thời gian, giúp nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri quan tâm, được đưa ra thảo luận, chất vấn đến cùng, thỏa mãn sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Điều này đã được đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc kỳ họp: “Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, các tờ trình được xem xét tại kỳ họp; từ thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của Kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh”.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp.
Thực tế 2,5 ngày diễn ra Kỳ họp cho thấy, sự điều hành của chủ tọa Kỳ họp đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt để các vấn đề, các nội dung được đưa ra bàn thảo đạt kết quả và đi đến thống nhất cao. Điển hình như việc điều hành phiên thảo luận, chủ tọa luôn có sự định hướng nhằm dẫn dắt các vấn đề đi vào trọng tâm, trọng điểm, khách quan, sát đúng với nội dung bàn thảo và tình hình thực tiễn, cũng như bảo đảm thời gian và chất lượng thảo luận. Đặc biệt, trên tinh thần nhìn thẳng vào hiện thực khách quan, đồng thời, phát huy trí tuệ, tâm huyết, dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu HĐND đã tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được; cũng như chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực, các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023. Nhiều ý kiến thảo luận mang tính xây dựng, đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp thiết thực, góp phần tạo không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, chất lượng.
Chủ tọa kỳ họp.
Kỳ họp ghi nhận sự thẳng thắn, khách quan, công tâm của nhiều đại biểu khi nêu lên nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; trong đó, nhấn mạnh một nguyên nhân cơ bản là yếu tố con người, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chẳng hạn, đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống, nêu vấn đề về năng lực, trách nhiệm tham mưu của một số sở, ngành trong thực hiện các cơ chế chính sách phát triển kinh tế (thu hút đầu tư; bảo tồn di sản…). Đồng quan điểm, đại biểu Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cũng thẳng thắn chỉ rõ: tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, với biểu hiện của cán bộ “3 không”: Không nói; không tham mưu đề xuất; không làm (hoặc có làm cũng làm cầm chừng). Hay đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thì cho rằng đang có một “cơn bão ngầm”, do một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp…
Việc nhiều ý kiến tập trung nêu lên tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, sợ chịu trách nhiệm nên né tránh, đùn đẩy trong thực thi công vụ là vấn đề rất đáng lưu tâm. Do đó, phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Thời gian còn lại của năm 2023 là 172 ngày. Nếu trừ đi những ngày thứ bảy, chủ nhật, những ngày nghỉ lễ, chúng ta chỉ còn khoảng trên dưới 120 ngày làm việc. Đây là khoảng thời gian quý báu cho những nỗ lực, cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chúng ta để thực hiện hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đầy khó khăn, thách thức. Khoảng thời gian này đòi hỏi, các cấp, các ngành, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch làm việc hợp lý, phân phối, sắp xếp thời gian khoa học, hiệu quả, tích cực lao động, học tập và công tác, với tinh thần tận tụy, tâm huyết, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng “chưa làm hết việc thì chưa nghỉ”, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, để mỗi ngày trôi qua không phải là thời gian vô nghĩa, lãng phí”.
Thêm một minh chứng về sự điều hành linh hoạt của chủ tọa Kỳ họp, đó là thông qua đường dây nóng, nhiều cử tri trong tỉnh đã gửi các kiến nghị, đề xuất đến phiên chất vấn. Các kiến nghị của cử tri đã được đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời ngay tại hội trường và trên sóng truyền hình trực tiếp, để đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh theo dõi, nắm bắt và giám sát. Phần trả lời kịp thời, thỏa đáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan và rất nhân văn (vừa đúng lý vừa hợp tình) của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, đã cho thấy sự tâm huyết và sâu sát của người đứng đầu cơ quan dân cử đối với mọi vấn đề phát sinh từ cơ sở, đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Đồng thời, thể hiện sâu sắc tinh thần “gần dân”, “lắng nghe dân”, “hiểu dân” và “vì dân”; cũng như thể hiện trọng trách, lời hứa của đại biểu dân cử đối với cử tri. Qua đó, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa cơ quan dân cử với cử tri và Nhân dân.
Quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng
Kết thúc 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII đã thành công tốt đẹp, với khối lượng công việc lớn đã hoàn thành. Trong đó phải kể đến việc HĐND đã xem xét, thông qua 25 nghị quyết về quy phạm pháp luật; về kế hoạch đầu tư phát triển, phân bổ vốn, thu, chi ngân sách nhà nước; về chủ trương đầu tư các dự án và về các nội dung quan trọng khác. Các nghị quyết liên quan và có tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và đời sống người dân. Điển hình phải kể đến các nghị quyết về Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa được HĐND tỉnh quyết định tại Nghị quyết số 123/NQ-HĐND, ngày 11-10-2021 (đợt 3); Phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện di dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét trên địa tỉnh (đợt 2); Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; Nghị quyết về Phát triển thanh niên tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2030…
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng thông qua các nghị quyết về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân; phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 (Phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025 và năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đợt 2); Phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt 2)…
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Thực tế cho thấy, phản ứng chính sách tốt, nhanh nhạy, phù hợp, cùng với năng lực phân tích, dự báo và có các giải pháp điều hành sát thực tiễn, tính khả thi cao, sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng, thậm chí có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; cùng với sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thì chính sách sẽ “chạy” trơn tru và mang lại hiệu quả thiết thực. Với các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 14 cũng vậy. “Đây là những nội dung hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các dự án đầu tư, các cơ chế, chính sách đảm bảo theo quy định, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong tỉnh” - đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh tại phiên bế mạc Kỳ họp. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc của UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện nghị quyết: nghiêm túc ngay từ khâu tuyên truyền, quán triệt đến xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí nhân lực, nguồn lực, xác định rõ mốc thời gian hoàn thành, tránh tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”. Song song với đó là một cơ chế giám sát chặt chẽ của Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh, nhằm bảo đảm cho các nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả trong thực tiễn.
Khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII là diễn đàn đại diện cho tiếng nói của cử tri và Nhân dân. HĐND tỉnh nghe Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp. Theo đó, đã có 107 kiến nghị của cử tri và Nhân dân 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổng hợp, gửi đến Kỳ họp. Các kiến nghị liên quan đến mọi lĩnh vực như phát triển sản xuất; quản lý tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường; văn hóa - xã hội; cơ chế, chính sách; an ninh - trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác. Trong đó, cử tri và Nhân dân bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc trách nhiệm của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, nhằm mang lại những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, cử tri cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước một số vấn đề còn bất cập và cả những tồn tại, hạn chế mà nếu không sớm được khắc phục, sẽ trở thành nguyên nhân kéo lùi sự phát triển đi lên của tỉnh.
Trong hoạt động của Quốc hội và HĐND, giám sát đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử trong việc theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Khi bàn về vấn đề này, phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời, là cơ sở quan trọng để các cơ quan nghiên cứu, đề xuất Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, trong đó có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đại biểu dự kỳ họp.
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua Chương trình giám sát năm 2024 và thực hiện giám sát tại kỳ họp thông qua việc xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo kết quả hoạt động của HĐND tỉnh, của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, xem xét báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022; việc chấp hành pháp luật trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022; công tác quản lý Nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2022; việc thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn các huyện miền núi, giai đoạn 2018-2022…
Đại biểu dự kỳ họp.
Những nội dung được HĐND tỉnh lựa chọn giám sát chuyên đề trong năm 2023 kể trên, đều là những vấn đề “nóng”, có khả năng tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Đặc biệt, việc công khai rộng rãi kết quả giám sát ra nghị trường và trên sóng truyền hình, để cử tri và Nhân dân cùng nắm bắt và giám sát, đã cho thấy tinh thần khách quan, thẳng thắn, trách nhiệm của cơ quan quyền lực “của dân”, “do dân” và “vì dân”.
Chất vấn là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân qua mỗi kỳ họp; đồng thời, là phương diện khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương. Bởi lẽ, vấn đề được lựa chọn đưa ra chất vấn là những vấn đề nổi cộm, có tác động, ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến một hay nhiều lĩnh vực và được dư luận đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đúng và trúng vấn đề chất vấn sẽ tạo ra không khí “đấu tranh nghị trường” sôi nổi. Qua đó, thể hiện được năng lực và hiệu lực, hiệu quả điều hành của chủ tọa; phát huy trí tuệ và trách nhiệm của người được chất vấn, người trả lời chất vấn, cũng như thu hút sự quan tâm và phát huy trí tuệ của Nhân dân vào việc giải quyết vấn đề bất cập đang đặt ra trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc đưa vấn đề “nóng” ra chất vấn tại nghị trường là cách để mổ xẻ một cách khách quan, trung thực, minh bạch những bất cập, tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, làm rõ những nguyên nhân khách quan dẫn đến thực trạng. Từ đó, phát huy trí tuệ tập thể, để có những phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, khả thi và hiệu quả.
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp.
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp.
Trên tinh thần đó, việc lựa chọn 2 vấn đề “nóng” hiện nay là quản lý đất đai và giáo dục (thiếu giáo viên và cơ chế chính sách cho giáo viên vùng khó khăn) để đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này, đã cho thấy tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, vào những bất cập, hạn chế trong quản lý Nhà nước, trong thực thi chính sách… Từ đó, đề ra những giải pháp phù hợp để gỡ khó. Phiên chất vấn đã không dừng lại ở “hỏi” và “trả lời”; mà nhiều nội dung các đại biểu đã có sự tranh luận, thậm chí là truy vấn đến cùng. Đồng thời, từ sự định hướng của chủ tọa Kỳ họp, các đại biểu đã có sự chất vấn, tranh luận trở lại đối với phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, thể hiện rất rõ trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu HĐND đối với các vấn đề “nóng”, có tác động lớn đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh, cũng như đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cử tri và Nhân dân. Đồng thời, đề ra các giải pháp nhằm kịp thời khắc phục các hạn chế trước mắt, vừa phải tạo chuyển biến thực chất, lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn. Song, như nhấn mạnh của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, thì giải pháp của mọi giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Song, đó không phải hô hào khẩu hiệu chung chung, mà phải đi vào thực chất, bằng những kết quả cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm trả lời chất vấn.
Nhân văn từ chính sách và nhân văn từ cách làm, nghĩa là từ xây dựng chính sách đến thực thi chính sách, phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là vì con người, vì Nhân dân. Bởi vậy, kỳ vọng rằng, những vấn đề đã được thảo luận và quyết nghị tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo nền tảng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.