Ngày 17/8/2023, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 3715/BXD-QHKT về việc trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, như sau:
1. Nội dung kiến nghị: "Bổ sung thêm cơ quan chuyên môn và đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng (nhất là trong trường hợp các dự án đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập) tại khoản 4, Điều 1, Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng "
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
- Khoản 6 Điều 4 Luật Đầu tư công 2020 quy định: "Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công".
- Khoản 3 Điều 7 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định: "Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư".
- Đối với các trường hợp cụ thể, người quyết định đầu tư có thể xem xét kinh nghiệm, năng lực quản lý để giao cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm chủ đầu tư đảm bảo phù hợp với các quy định trên.
2. Nội dung kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt", về trách nhiệm lập quy hoạch phân khu chức năng là Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy, đối với việc lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung được phê duyệt vẫn phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh là chưa phù hợp. Đây là nội dung mang tính địa phương, do đó đề nghị sửa đổi theo hướng lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp huyện trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của tỉnh Thanh Hỏa nêu trên để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới.
3. Nội dung kiến nghị: “Đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị: Theo Luật Quy hoạch năm 2017, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm, tẩm nhìn đổi với quy hoạch vùng quy hoạch tinh từ 20 - 30 năm; theo Luật Quy hoạch đô thị, thời hạn đối với quy hoạch chung là 10 - 20 năm và 20 - 25 năm. Do đó đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo thời hạn quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ và phù hợp với quy hoạch cấp trên"
Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của tỉnh Thanh Hóa nêu trên để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới.