Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Hơn 18.000 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới
Kết quả từ Báo cáo sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, đến nay, vùng Bắc Trung bộ có 1.037/1.380 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 134 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn vùng có 30 huyện đạt chuẩn NTM.
Nằm ở phía Bắc của Bắc Trung bộ, tại Thanh Hóa, chỉ trong 2 năm (2021 - 2022) và 6 tháng đầu năm 2023 đã có thêm 4 huyện, 42 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay, Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 359 xã đạt chuẩn NTM, 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của Thanh Hóa là hơn 18.795 tỷ đồng. Nhờ những chính sách từ Chương xây dựng NTM, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng lên 51,7 triệu đồng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm giảm 4,4 lần so với năm 2010, còn 6,08% năm 2022; đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn, đã tạo việc làm mới cho 58.950 lao động.
Tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn
Một trong những mũi nhọn trong xây dựng NTM tại Thanh Hóa là chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Trong giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP được công nhận cho 223 chủ thể OCOP trên địa bàn 193 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15 - 20%). Dự kiến hết năm 2023, Thanh Hóa sẽ nâng số sản phẩm OCOP lên 407.
Trong đó, toàn tỉnh đã có 143 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tỉnh cũng đã hình thành 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, có một số sản phẩm đã phát triển trên thị trường trong và ngoài nước và thành lập Hợp tác xã OCOP Thanh Hóa - là một trong số ít địa phương trong cả nước đã thành lập được mô hình hoạt động này. Mục tiêu từ nay đến 2025, Thanh Hóa phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP và toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu, có giá trị và sức cạnh tranh cao.
Những năm qua, cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn của tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Kết quả đã làm được hơn 2.779km đường giao thông nông thôn, 933km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi, 2.677 phòng học, 1.269km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch; xây mới, chỉnh trang trên 46.000 nhà ở dân cư...
Theo ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến hết năm 2025, có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn NTM; 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 8% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã. 559 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao trở lên, 5 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.