Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hướng đến giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách trong đời sống, đặc biệt là của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, trái với mong đợi, do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đã và đang khiến cho tiến độ giải ngân các dự án diễn ra khá chậm.

Trường THCS Mường Chanh (Mường Lát). Ảnh: P.V

Tiến độ “rùa bò”...

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 8/1/2022, với 7 dự án thành phần, 11 tiểu dự án. Bên cạnh những dự án đã được các địa phương tích cực triển khai có hiệu quả; vẫn còn nhiều dự án, tiểu dự án thành phần đang có tốc độ giải ngân... “rùa bò”.

Điển hình như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, là một trong những dự án có tốc độ giải ngân ỳ ạch nhất của chương trình. Theo đó, vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2023 phân bổ cho 11 huyện miền núi là 81,119 tỷ đồng. Đến nay, mới giải ngân được 6,875 tỷ đồng, đạt 8,48% kế hoạch vốn được giao để xây dựng 33 dự án hỗ trợ cho 453 hộ nghèo, 211 hộ cận nghèo và 19 hộ mới thoát nghèo.

Tiểu dự án 2 (Dự án 4) về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng là dự án có tiến độ giải ngân rất thấp, đạt 10,01%. Cụ thể, tổng vốn Trung ương giao cho 6 huyện nghèo giai đoạn 2022-2023 để thực hiện tiểu dự án là 6,253 tỷ đồng. Đến nay, huyện Bá Thước hỗ trợ 435 triệu đồng/56 lao động; huyện Quan Hóa hỗ trợ 165 triệu đồng cho công tác tư vấn; huyện Quan Sơn hỗ trợ 5 triệu đồng/1 lao động; huyện Mường Lát 20 triệu đồng/7 lao động. Việc chậm trễ này được lý giải là do người lao động không cung cấp được hóa đơn, chứng từ đối với các khoản thu học tiếng, giáo dục định hướng, chi phí xuất cảnh dùng để thanh toán với cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, thực tế ở các địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu thập, lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc thanh toán chi phí hỗ trợ chưa được quan tâm đúng mức.

Tiểu dự án 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thực hiện. Tiểu dự án có tổng vốn Trung ương giao giai đoạn 2021-2023 phân bổ là 44,035 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thực hiện và đến nay, 100% nguồn vốn đã được phân bổ cho các ngành, địa phương để tổ chức thực hiện. Từ các năm 2021-2023, toàn tỉnh dự kiến phê duyệt, thực hiện 233 dự án. Trong đó, năm 2021 đã thực hiện hỗ trợ thông qua 56 dự án (gồm 9 dự án trồng trọt, 46 dự án chăn nuôi, 1 dự án nuôi trồng thủy sản; với 2.131 hộ gia đình được hỗ trợ, trong đó có 1.554 hộ nghèo, 576 hộ cận nghèo và 1 hộ mới thoát nghèo); giá trị giải ngân là 13,784 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2021. Tuy nhiên, do năm 2022 và 2023 các địa phương vẫn đang tiến hành rà soát đối tượng, lập dự án để triển khai thực hiện nên vốn của 2 năm này vẫn chưa được giải ngân, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương giao giai đoạn 2021-2023 cho Tiểu dự án 1 “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp” mới đạt 14,95%.

Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà theo lý giải của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) - cơ quan Thường trực của chương trình, là do việc chậm sửa đổi, bổ sung nghị định về cơ chế, quản lý điều hành các chương trình MTQG. Chính việc chậm sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp thuộc các chương trình MTQG, đã làm chậm trễ việc triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình giảm nghèo nói chung, Tiểu dự án 1 “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp” nói riêng.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định UBND tỉnh bắt buộc phải ban hành quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng. Nhưng, theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP quy định UBND ban hành (nếu cần) hoặc không ban hành. Do đó, tại Công văn số 11853/UBND-KTTC ngày 15/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế luân chuyển, quay vòng một phần vốn sau khi Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Việc chờ ban hành quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng cũng là một nguyên nhân gây ra “độ trễ” trong việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đến các đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện nghèo, huyện miền núi không có doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đảm bảo điều kiện để liên kết, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa tích cực chỉ đạo, rà soát nhu cầu của người dân; chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật; còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm; chậm phối hợp, tham mưu, chưa tích cực triển khai thực hiện dự án...

Khó cán đích

Đảng ta đã xác định, xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu và điều đó cũng thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Do vậy, những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, thông qua các cơ chế, chính sách và nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công tác này đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, ước năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 3,49%. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình vẫn đang cho thấy nhiều khó khăn, bất cập, rào cản khiến cho nhiều chỉ tiêu, mục tiêu khó có thể cán đích. Trong đó, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, dự án, chính sách, vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện giảm nghèo hiệu quả chưa cao. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp từ chương trình chậm hoặc chưa giải ngân làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình hộ nghèo tại xã Thành Minh (Thạch Thành).

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ năm 2022, 2023 là 844,426 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển cho 6 huyện nghèo là 703,026 tỷ đồng và 2 huyện thuộc diện phải thoát nghèo đến năm 2025 (Bá Thước, Thường Xuân) là 141,400 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp cho 11 huyện miền núi là 408,356 tỷ đồng để hỗ trợ 6 huyện nghèo triển khai 59 dự án (28 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và 31 dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025). Theo đó, HĐND, UBND tỉnh đã giao 100% kinh phí sự nghiệp Trung ương phân bổ cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, tổng nhu cầu vốn đầu tư đối ứng từ nguồn ngân sách tỉnh (bằng 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện) để thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển lũy kế đến tháng 10/2023 là 397,281 tỷ đồng/844,426 tỷ đồng, đạt 47,05% kế hoạch được giao cho 6 huyện nghèo và 2 huyện trong diện phải thoát nghèo đến năm 2025. Trong khi, kết quả giải ngân vốn sự nghiệp phân bổ cho 11 huyện miền núi lũy kế đến tháng 10/2023 là 139,621 tỷ đồng/408,356 tỷ đồng, mới đạt 34,19% kế hoạch được giao.

Nếu như trước đây, việc thực hiện các dự án thường phải chờ vốn “rót” về, thì nay, tiền có nhưng... khó tiêu, lại đang trở thành chuyện “dở khóc dở cười” ở nhiều địa phương. Ông Lê Viết Xuân, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Quan Sơn, cho biết: Huyện Quan Sơn có tổng nguồn vốn đầu tư 2 năm 2022-2023 là 113,889 tỷ đồng. Tính đến ngày 13/11/2023, đã giải ngân được 97,851 tỷ đồng, đạt 85,92% (năm 2022 đạt 100%, năm 2023 đạt 63,64%). Tổng nguồn vốn sự nghiệp là 43,931 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 53,14% (năm 2022 đạt 43,4%; năm 2023 đạt 55,08%). Bên cạnh một số dự án triển khai nhanh, vẫn còn một số dự án đến nay vẫn chưa giải ngân được, như: Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo có tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ đồng; Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng với tổng vốn đầu tư 4,69 tỷ đồng; Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững năm 2023.

Theo thống kê, trong 3 năm từ 2021-2023, tổng vốn Trung ương cấp cho huyện Mường Lát để thực hiện chương trình là 153,731 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 111,732 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 41,999 tỷ đồng). Theo đó, kinh phí giải ngân trong 3 năm là 25,719 tỷ đồng, đạt 16,7% (riêng năm 2023, nguồn vốn đầu tư được phân bổ là 43,425 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân). Lý giải cho sự chậm trễ này, huyện Mường Lát đưa ra những cái khó như: quy định về độ dốc tiêu chuẩn gây khó khăn trong công tác thiết kế các công trình, đặc biệt đối với các tuyến đường trên địa bàn đồi núi cao. Rồi khó trong việc xác định phần vốn đối ứng địa phương làm cơ sở để trình thẩm định, phê duyệt. Đặc biệt là hướng dẫn của các sở, ngành liên quan về trình tự thủ tục, thẩm quyền người quyết định đầu tư (vấn đề này phải đến ngày 11/8/2023, tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn các Chương trình MTQG năm 2023 và chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới, UBND tỉnh mới tháo gỡ để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện)...

Có thể nói, những khó khăn, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư có thể là nguyên nhân khiến cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, khó đạt được các mục tiêu kỳ vọng. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương lúc này là quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện, cũng như xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện chương trình.

Báo Thanh Hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    518 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.070.561
    Trong năm: 1.303.399
    Trong tháng: 151.810
    Trong tuần: 39.447
    Trong ngày: 2.947
    Online: 88