Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình nâng cao chất lượng y tế tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; trước mắt là triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành năm 2024; phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra.
Giai đoạn 2012-2023, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cố gắng thực hiện có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh cho Nhân dân. Hiện đã đạt 37,5 giường/1 vạn dân (mục tiêu năm 2025 là 38 người/1 vạn dân); có 12 bác sĩ/1 vạn dân (mục tiêu năm 2025 là 13 bác sĩ/1 vạn dân); tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 85,7%... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư với nhiều dự án đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ mang tính đột xuất, cấp bách, ngành y tế đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình nâng cao chất lượng y tế giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 701 ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy. Đến nay, đã có 2/13 chỉ tiêu đạt mục tiêu và 11/13 chỉ tiêu đang thực hiện theo tiến độ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng từ tỉnh đến cơ sở; giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã huy động trên 2.700 tỷ đồng để đầu tư cho các cơ sở y tế công lập, trong đó có nhiều dự án thuộc danh mục công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.
Công tác xã hội hóa y tế được quan tâm; toàn tỉnh đã thành lập mới 4 bệnh viện ngoài công lập. Chất lượng nguồn nhân lực y tế ngày càng được nâng cao; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong khám, chữa bệnh được đẩy mạnh; đã triển khai, đưa vào ứng dụng 1.157 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng tại các cơ sở y tế, trong đó nhiều kỹ thuật cao, phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả khám, điều trị cho người bệnh; nổi bật là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước duy trì và thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận trên cả người cho sống và người cho chết não. Ngành Y tế cũng đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, thực hiện kết nối khám, chữa bệnh từ xa với tuyến trên và hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh cho tuyến dưới; 100% bệnh viện các tuyến đã triển khai Hệ thống thông tin bệnh viện và Bệnh án điện tử; tỷ lệ hài lòng của người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập hàng năm đều đạt trên 90%.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế vào chiều ngày 26/2/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng y tế giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 701-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã phải trải qua “cuộc chiến” cam go với đại dịch COVID-19. Toàn bộ hệ thống chính trị phải gồng mình chống từng đợt dịch bùng phát bằng nhiều cách, nhiều biện pháp khác nhau. Người dân thì hoang mang, lo sợ; trong khi hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc men ở các địa phương còn thiếu thốn; hạ tầng y tế trở nên quá tải gấp nhiều lần... Trong bối cảnh đó, ngành y tế với vai trò nòng cốt, đã phối hợp, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp, giải pháp quan trọng, đóng vai trò quyết định, góp phần kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh COVID-19, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những “điểm sáng” của cả nước về phòng, chống dịch bệnh, mà trong đó, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế là hết sức to lớn và không thể đong đếm được.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng đội ngũ cán bộ, nhân viên và y, bác sĩ Sở Y tế Thanh Hóa nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024).
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã chỉ rõ những hạn chế, có mặt yếu kém, đó là: Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế vẫn còn khó khăn; nhiều bệnh viện chưa được đầu tư đồng bộ, khoa hồi sức cấp cứu, khu vực phẫu thuật, khu điều trị kỹ thuật cao tại một số bệnh viện chưa được nâng cấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị trạm y tế xã, trung tâm y tế, bệnh viện huyện còn thiếu, một số đã xuống cấp, không đảm bảo theo quy định. Mạng lưới cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế chất lượng cao, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu phân bố không đều giữa các vùng, miền trong tỉnh. Tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị khám, chữa bệnh còn diễn ra cục bộ tại một số cơ sở y tế; công tác tổ chức đấu thầu, cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm còn nhiều bất cập vướng mắc... Trình độ chuyên môn của một bộ phận bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chưa đáp ứng được yêu cầu; tinh thần, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp của một số cán bộ trong ngành vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp.
Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã xác định chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân là ưu tiên đặc biệt và là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, mà trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật. Chính vì vậy, ngành Y tế Thanh Hóa cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, những thành tích, kết quả đạt được trong những năm qua. Trên tinh thần kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 20, Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng.
Trên cơ sở đó, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án, kế hoạch bảo đảm khả thi, sát thực tiễn để cụ thể hóa, nhằm phát huy hiệu quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng trong cuộc sống; hướng đến mục tiêu “Phát triển hệ thống y tế hiện đại và bền vững; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền; thúc đẩy phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu; phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao, xã hội hóa một số bệnh viện, dịch vụ chất lượng cao, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung bộ”.
Tập trung cao cho công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, những địa bàn trọng điểm để tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao thuộc các lĩnh vực mà ngành quản lý.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế
Nhắc đến vai trò vị trí của người thầy thuốc phải “sâu về y lý, giàu về y đức và giỏi về y thuật”, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc đến đội ngũ cán bộ y tế trong toàn ngành, phải tiếp tục thực hiện nghiêm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”; tập trung hơn nữa cho công tác đào tào, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành y tế vững vàng về chính trị, chuyên môn, gương mẫu về đạo đức, không ngừng đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp "lấy người bệnh làm trung tâm...
Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình nâng cao chất lượng y tế tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; trước mắt là triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành năm 2024; phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương để thực hiện hoàn thành các mục tiêu y tế quốc gia. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ của các đơn vị y tế công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả... Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị; gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng... Quan tâm làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.